Nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

Cập nhật ngày: 05/03/2024 10:15:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240305101648dt2-3.mp3

 

ĐTO - Kinh tế tập thể (KTTT) là một thành phần kinh tế quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng mà còn đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc xây dựng và phát triển KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Thi công hệ thống cống phục vụ tưới tiêu tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò)

Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 195 HTX nông nghiệp (NN), trong đó, có 10 HTX mới thành lập trong năm 2023. Đa số các HTXNN kinh doanh có lợi nhuận, trích lập được các quỹ, trả lương cho bộ máy quản lý, bảo toàn được vốn sản xuất - kinh doanh; chấp hành tốt các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật HTX năm 2012 như: xây dựng Điều lệ HTX, phương án sản xuất - kinh doanh... Nhiều HTX yếu kém cũng được quan tâm củng cố, sáp nhập. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ HTX được chú trọng thực hiện.

Các HTX đã chủ động hơn trong việc huy động nguồn vốn của thành viên, quỹ đầu tư phát triển của HTX để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư thêm máy móc, thiết bị nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, mở rộng các ngành nghề mới như: dịch vụ vệ sinh môi trường, dịch vụ kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, dịch vụ thú y, dịch vụ phục vụ đời sống cho thành viên...; xây dựng mô hình mới và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu nông sản cho thành viên và các hộ nông dân trên địa bàn.

HTXNN chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tăng cường ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành vào trong sản xuất và được người dân tích cực hưởng ứng. Một bộ phận người dân, đặt biệt là những hộ dân sản xuất cây ăn trái đã có nhận thức tích cực về việc cần thiết phải tham gia vào HTX, tổ hợp tác để có thể tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất và tin tưởng tham gia góp vốn trở thành thành viên HTX.

Có thể nhận định rằng, chất lượng KTTT tỉnh đang được cải thiện và có xu hướng phát triển, cho thấy chủ trương phát triển KTTT đang đi đúng hướng, tức không đặt nặng vấn đề về phát triển số lượng mà chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song các HTXNN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác thiếu đồng bộ, các văn bản hướng dẫn kèm theo chậm được ban hành, thiếu vốn thực hiện, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các HTX, công tác tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT ở các xã, phường chưa đạt hiệu quả cao. Về nội tại của HTX nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn: năng lực hoạt động, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; đội ngũ cán bộ quản lý lớn tuổi, trình độ có giới hạn, gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số; phần lớn HTX thiếu vốn không mở thêm hoạt động dịch vụ và mở rộng quy mô sản xuất. Hầu hết các HTX đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Mặt khác, chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển KTTT là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX.

Trước thực trạng trên, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các HTXNN trên địa bàn tỉnh thời gian tới như: tiếp tục tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương về phát triển KTTT, HTX và Luật HTX năm 2023, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhằm thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, Nhân dân về nguyên tắc, bản chất và giá trị của HTX. Từ đó, cán bộ, đảng viên, cơ quan quản lý các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ HTX phát triển, đặc biệt tuyên truyền để người dân hiểu rõ bản chất của HTX kiểu mới, tự nguyện tham gia xây dựng và phát triển HTX; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTTT ở các cấp, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về KTTT cho các đối tượng là cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất trong hành động để hoạt động KTTT phát huy hiệu quả. Đồng thời thực hiện các giải pháp tái cấu trúc bộ máy quản lý HTXNN; phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp của Trung ương cũng như của địa phương, nhất là các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao nhận thức cho các HTX và các thành viên về sự cần thiết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trước yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sự cạnh tranh trên thị trường.

Nếu HTX phát triển đúng hướng sẽ là yếu tố, động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân trên mọi phương diện, với mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích cho người dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng để thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để làm được điều đó, HTX phải không ngừng tự đổi mới, khai thác mọi tiềm năng, lựa chọn bước đi phù hợp và định hướng đúng cho hoạt động của mình; tổ chức mở rộng ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng và đa chức năng hoạt động để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, hướng dẫn thành viên tiếp cận thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất phải gắn với truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, phải tập trung thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổng hợp. HTX phải mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế với tổ hợp tác, các HTX khác, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn