Đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Cập nhật ngày: 07/02/2023 17:48:16

ĐTO - Ngày 7/2, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu chủ trì hội nghị lần thứ 10 về công tác triển khai thực hiện dự án.


Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo về tình hình thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (kỳ tháng 1/2023). Theo đó, đến ngày 19/1/2023, dự án thành phần 1 đã hoàn thành toàn bộ công tác đo đạc đất, kiểm đếm tài sản trên đất. Ngày 6/1/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc phê duyệt đơn giá đất cụ thể làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Dự án thành phần 2 tiếp nhận 231 cọc giải phóng mặt bằng. Riêng đoạn cuối tuyến khoảng 450m giáp với tỉnh Tiền Giang chưa cắm cọc.

Qua rà soát, nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đi qua địa bàn huyện Cao Lãnh và huyện Tháp Mười dự kiến là 226 hộ. Hiện về hạ tầng khu tái định cư 2 huyện Tháp Mười và Cao Lãnh đã bố trí đảm bảo số nền theo nhu cầu. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là một số hộ dân yêu cầu xem xét về giá bồi thường nhà ở và vật kiến trúc, giá cây trồng, làm đường dân sinh...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương liên quan cần thực hiện quyết liệt hơn các nhiệm vụ, phần việc trong tháng 2.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu trong triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, chủ động đề ra giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các phần việc của từng đơn vị. Đối với công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, các địa phương cần thực hiện rà soát kỹ, sát với tình hình thực tế để thống nhất phương án bồi thường. Đồng thời, các ngành, địa phương cần lập phương án bồi thường và di dời mồ mã phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của người dân ở địa phương…

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn