Đề án sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim có sự tham gia của cộng đồng

Cập nhật ngày: 15/10/2012 14:04:09

Để quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bên trong Vườn Quốc gia Tràm Chim một cách bền vững với sự tham gia của cộng đồng tại địa phương, qua đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo tồn tài nguyên, phòng chống cháy rừng và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim có sự tham gia của cộng đồng giai đoạn 2012 -2016.


Người dân được khai thác củi từ những cây tràm chết
trong Vườn Quốc gia Tràm Chim

Đề án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 hộ dân sống xung quanh Vườn thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định trong mùa nước nổi, góp phần tăng thu nhập để cải thiện sinh hoạt gia đình, với mức thu nhập bình quân mỗi hộ từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng. Các loại tài nguyên được khai thác sử dụng gồm: các loài thủy sản (trừ các loài thủy sản trong sách đỏ Việt Nam, những loài có số lượng ít cần bảo tồn ở Vườn Quốc gia Tràm Chim); rau, cỏ các loại, khuyến khích khai thác các loại động, thực vật ngoại lai: ốc bưu vàng, mai dương; khai thác củi từ những cây tràm chết.

Các loài thủy sản, sen, súng, rau, cỏ được khai thác dọc theo tuyến đê bao của khu A1, A2, vị trí khai thác từ bờ bao vào phía trong 700 - 800m. Trong đó thủy sản được khai thác với diện tích từ 900 - 1.200ha, sản lượng từ 40 - 50 tấn/năm, thời gian khai thác từ tháng 1 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 12. Sen, súng, rau được khai thác từ 7 - 10ha/năm, cỏ khai thác từ 50 - 100ha/năm, thời gian khai thác từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.

Củi tràm được khai thác từ cây tràm chết trong khu A2, diện tích từ 70 - 100ha/năm, sản lượng từ 1.500 - 2.000 thước củi/năm, thời gian khai thác từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, không khai thác ở các khu vực chim sinh sản.

Ngoài việc giải quyết việc làm cho các hộ dân sống xung quanh Vườn có thu nhập ổn định trong mùa nước, đề án sẽ góp phần giảm từ 30 – 50% số vụ vi phạm trái phép vào Vườn so với các năm trước khi thực hiện đề án, giảm từ 30 - 50% lượng vật liệu gây cháy trên khu vực cho phép sử dụng tài nguyên. Thông qua việc thực hiện đề án, đánh giá và cập nhật thông tin về thành phần loài và sản lượng thủy sản của Vườn.

Kinh phí khảo sát lập đề án, phương án thực hiện hàng năm, chi phí kiểm tra, giám sát thực hiện đề án từ nguồn thu phí sử dụng tài nguyên của các hộ dân, mức thu phí không quá 5% doanh thu khai thác của các hộ dân. Ngoài ra, để thực hiện đề án, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 120 triệu đồng, bình quân 30 triệu đồng/năm (từ năm 2013 - 2016), thực hiện việc gieo, ương, thả bổ sung những loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng, mật độ tự nhiên trong Vườn còn rất ít. Danh mục các loài thủy sản do Vườn Quốc gia Tràm Chim thống nhất với Chi cục thủy sản tỉnh.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn