Lấp Vò

Đề án Vùng lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/01/2015 13:18:26

Từ năm 2011 đến năm 2013, việc sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung ở xã Bình Thạnh Trung. Đến năm 2014, huyện mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao ở 5 xã gồm: Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Long Hưng A, Long Hưng B, Tân Mỹ với tổng diện tích sản xuất 3.241ha. Để khuyến khích nông dân tham gia thực hiện Đề án Vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại giai đoạn 2010 - 2015, người dân được hỗ trợ một phần chi phí về giống, công cụ sạ hàng, máy phun thuốc, máy phun phân, tọa đàm, tập huấn, hội thảo,... với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng.

Công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân được chú trọng, ngành nông nghiệp huyện phân công cán bộ chuyên môn phụ trách cánh đồng và tổ chức tập huấn (từ 3 đến 6 lần trong 1 vụ) cho nông dân về kỹ thuật canh tác và biện pháp phòng trị sâu bệnh; định kỳ cùng với nông dân thăm đồng để đánh giá hiện trạng đồng ruộng và đề ra biện pháp quản lý phù hợp, qua đó giúp nông dân an tâm trong sản xuất. Ngoài ra, còn hướng dẫn nông dân ghi sổ nhật ký đồng ruộng theo VietGAP. Đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và giống trong cánh đồng chỉ sử dụng 1-2 giống lúa chất lượng cao, lượng giống sạ từ 120-150 kg/ha. Nếu so với lượng giống sạ phổ biến trong huyện thì nông dân tham gia cánh đồng giảm được 50-80kg giống/ha; được hướng dẫn và khuyến khích sạ hàng (chiếm khoảng 80% diện tích), qua đó giúp nông dân gieo sạ với mật độ vừa phải, cây lúa đầy đủ ánh sáng, cứng cây nên ít đổ ngã, tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch đạt trên 95% diện tích, giúp giảm được một phần chi phí trong sản xuất.

Nông dân tham gia cánh đồng sử dụng giống lúa xác nhận và áp dụng sạ hàng với mật độ vừa phải; áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ít hơn so với ruộng sản xuất theo cách truyền thống. Sản lượng lúa chất lượng cao được các doanh nghiệp: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH Phát Tài; Trung tâm Giống An Giang; Công ty TNHH Vĩnh Hoàn 2; Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Phát; Công ty Cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam liên kết tiêu thụ. Từ khi thực hiện Đề án đến nay các công ty đã tiêu thụ hàng chục ngàn tấn lúa tươi.

Đề án đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Theo đó, năng suất lúa trong cánh đồng lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại và cánh đồng sản xuất theo kiểu truyền thống tương đương nhau nhưng chi phí sản xuất vùng lúa chất lượng cao thấp hơn lại bán được giá cao hơn nên lợi nhuận thu được khả quan hơn. Ngoài ra, thông qua Đề án từng bước giúp nông dân làm quen với sản xuất theo hướng tập thể và hợp tác liên kết sản xuất theo quy mô lớn, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn