Huyện Lấp Vò

Điểm sáng từ các mô hình nông nghiệp mới

Cập nhật ngày: 23/04/2024 17:08:22

ĐTO - Thời gian qua, nông dân huyện Lấp Vò đã tích cực phát triển những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như: mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponic, sản xuất lúa giống theo hướng an toàn (xã Bình Thạnh Trung), sản xuất cây giống cấy mô (xã Long Hưng B)… Những mô hình này giúp nông dân tăng thu nhập, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của quê hương, tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp của huyện.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2 từ phải sang) thăm trang trại Đồng Tháp Aqua

Cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp

Theo UBND huyện Lấp Vò, những năm qua, địa phương tập trung thực hiện xây dựng vùng chuyên canh màu ven sông Tiền (xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông) với cây trồng chủ lực là khoai môn. Đồng thời phát triển vùng trồng hoa kiểng tập trung ở các xã: Tân Khánh Trung, Long Hưng A, Tân Mỹ và vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ tại các xã: Bình Thạnh Trung, Bình Thành. Điều này mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất theo lợi thế, nhu cầu thị trường.

Trước đòi hỏi thực tế của thị trường, sản phẩm phải đạt các yêu cầu về chất lượng, sạch, giá cạnh tranh, không gây ô nhiễm môi trường... từ năm 2018, anh Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua (ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung) xây dựng mô hình Aquaponics nuôi cá tuần hoàn kết hợp trồng rau thủy canh.

Điểm nhấn của mô hình là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ vụ mùa không phun thuốc trừ sâu hóa học hay sử dụng hóa chất. Thay vào đó, mô hình sử dụng chất thải từ cá, nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây rau thủy canh. Hiện, trang trại trồng rau thủy canh có tổng diện tích trên 18.000m2, trồng trên 10 loại rau khác nhau như: cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh... Mỗi năm, trang trại xuất bán trên 60 tấn rau các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài rau sạch, trang trại còn bố trí nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá chình, cá chạch lấu, cá Koi, lươn...

Anh Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua, chia sẻ: “Trong quá trình canh tác, nhờ sử dụng công nghệ hiện đại nên chất lượng nước luôn ổn định, đàn cá phát triển rất nhanh, rau màu cho năng suất tốt. Vì vậy, rau, cá thành phẩm được thị trường thu mua với giá cao do sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc kinh doanh, thời gian qua, mô hình còn là điểm đến tham quan, du lịch, học tập kinh nghiệm của các đoàn khách từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước...”.


Chị Nguyễn Phượng Hằng thực hiện quy trình cấy mô tại phòng thí nghiệm

Với mong muốn nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, chị Nguyễn Phượng Hằng - chủ Cơ sở sản xuất giống cấy mô HF (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò) quyết định khởi nghiệp với cây giống cấy mô. Ban đầu, con đường khởi nghiệp của Hằng gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn. Tuy nhiên bằng quyết tâm, khát vọng tuổi trẻ và sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân, những trở ngại dần được giải quyết.

Chị Hằng chia sẻ: “Lúc về quê, tôi dự kiến sẽ nghiên cứu và lai tạo một số giống hoa kiểng đặc trưng của Làng hoa Sa Đéc nhằm phục vụ cho nông dân. Tuy nhiên, qua giới thiệu, bản thân tìm được đơn hàng lớn ở Đồng Nai sản xuất 100 ngàn giống chuối cấy mô với giá trị hợp đồng hơn 200 triệu đồng. Từ cơ duyên đó, tôi rẽ sang việc sản xuất giống cấy mô. Theo chị Hằng, chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỷ lệ thành công hơn 80%. Giống chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô giúp khắc phục những hạn chế của việc trồng theo cách truyền thống (tách cây giống từ cây mẹ) như cây dễ nhiễm nấm, vàng lá và thối củ, giảm năng suất, chết cây.

Với công suất hiện tại của phòng thí nghiệm, trung bình mỗi tháng, chị Phượng Hằng cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 cây chuối cấy mô các loại phục vụ thị trường. Ngoài ra, chị Hằng cũng đang tiến hành nghiên cứu và lai tạo thêm nhiều giống cây trồng mới của địa phương bằng phương pháp nuôi cấy mô như một số loại hoa kiểng, khoai môn, khóm... Hướng đi này của chị Hằng không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương...


Mô hình sản xuất lúa giống của nông dân ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung góp phần nâng cao thu nhập

Triển vọng của  ngành nông nghiệp địa phương

Để nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, anh Nguyễn Văn Phong ngụ ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung cùng 40 hộ nông dân triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giống 555 cung ứng cho Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long (TP Cần Thơ). Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Anh Nguyễn Văn Phong cho biết, mô hình sản xuất lúa giống được Hội Nông dân xã Bình Thạnh Trung duy trì hoạt động từ năm 2017 với 7 thành viên cùng sản xuất lúa trên cánh đồng. Đến nay, mô hình có 40 thành viên tham gia liên kết sản xuất với diện tích hơn 90ha. Mỗi năm, các hộ nông dân cung ứng cho công ty hơn 2.000 tấn lúa giống.

Theo đó, bà con nông dân tham gia mô hình sẽ được nhận giống siêu nguyên chủng hoặc giống nguyên chủng để sản xuất, đồng thời chăm sóc, bón phân, phun thuốc đúng quy trình theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật công ty. Do vậy, năng suất khá cao so với sản xuất lúa thương phẩm bình thường.

Qua gần 7 năm hợp đồng sản xuất lúa giống với Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giá thu mua ổn định, giảm chi phí trong sản xuất, lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thương phẩm thông thường  khoảng 5 triệu đồng/ha. Vì vậy, số lượng thành viên cũng như diện tích tham gia mô hình tăng lên theo từng năm. Anh Phong cho biết thêm: “Bên cạnh lợi nhuận, việc duy trì mô hình sản xuất lúa giống với Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long còn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, liên kết sản xuất giúp đầu ra và giá bán sản phẩm ổn định. Điều này giúp hội viên yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”.

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, đánh giá: “Thời gian qua, các mô hình sản xuất nông nghiệp mới cùng cách thức tổ chức sản xuất mới đã tạo ra “làn gió mới” trong sản xuất, cho thấy sự triển vọng của ngành nông nghiệp địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục theo dõi và có hướng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp này nhằm nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn