Định hướng liên kết tiêu thụ trong chuỗi giá trị lúa gạo và cây ăn trái
Cập nhật ngày: 09/02/2023 06:00:09
ĐTO - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực luôn được tỉnh chú trọng, thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, để hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực của tỉnh một cách hiệu quả, ngày 25/8/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 – 2025.
Nông dân trồng nhãn Châu Thành sản xuất nhãn theo hướng sạch, có liên kết tiêu thụ đầu ra
Qua 2 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều chuỗi giá trị lúa gạo và cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 10 chuỗi giá trị ngành hàng. Riêng với ngành hàng lúa gạo, tỉnh đã xây dựng được 7 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn gắn với sản phẩm gạo, với diện tích thực hiện liên kết của các huyện, thành phố là 64.306ha, với sự tham gia của 43 hợp tác xã (HTX), 22 tổ hợp tác (THT) và nông dân ký hợp đồng cùng 38 công ty, doanh nghiệp (trong và ngoài tỉnh), 1 trường đại học (liên kết thực hiện mô hình bảo tồn giống lúa) và 1 HTX và các thương lái thực hiện liên kết bao tiêu lúa cho nông dân.
Theo đánh giá, mặc dù sản xuất gạo giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng nhờ việc tổ chức lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện lúa gạo của tỉnh đã xuất khẩu trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài những thị trường truyền thống, gần đây, tỉnh đã phát triển thêm các thị trường mới như: EU, Nhật Bản. Bên cạnh sản phẩm gạo, tỉnh đã phát triển nhiều sản phẩm sau gạo (35 sản phẩm), phụ phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã hình thành nhiều chuỗi giá trị lúa gạo mang lại hiệu quả kinh tế cao
Đối với ngành hàng cây ăn trái, tỉnh đã thực hiện được 8 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn gắn với sản phẩm cây ăn trái, với diện tích liên kết tiêu thụ khoảng 1.039,1ha, sản lượng 7.859 tấn. Trong chuỗi liên kết này có 15 công ty, doanh nghiệp, 3 vựa xoài cùng các siêu thị Big C, Vinmart... liên kết tiêu thụ với 10 HTX, 4 THT, 2 hội quán và 3 hộ nông dân. Ngoài việc liên kết, việc tạo ra nhiều sản phẩm từ mặt hàng trái cây trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng. Thống kê của ngành công thương, hiện có trên 200 sản phẩm chế biến từ ngành hàng trái cây được thị trường chấp nhận.
Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, kết quả trên là nỗ lực của quá trình phấn đấu xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây theo hướng liên kết chuỗi. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận thực tế chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, những rủi ro trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân không bền vững; sản phẩm có giá trị gia tăng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; việc tận dụng kinh tế tuần hoàn để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao còn hạn chế... Đây là những yếu tố tác động khiến cho việc xây dựng chuỗi ngành hàng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Về định hướng trong thời gian tới, ngành công thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 200/KHUBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: thông tin thị trường mang tính chất thường xuyên hơn; phối hợp với các ngành, địa phương định hướng kế hoạch sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường; tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng xem công nghiệp chế biến là trọng tâm, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp...
Tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh thực hiện trong thời gian tới
Để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ trong chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh và các ngành hàng tiềm năng của các địa phương, Sở Công Thương có sự phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để triển khai việc xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung với qui mô lớn để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ, phục vụ cho việc phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp triển khai đến các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, trong đó thành viên tham gia chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng thực tiễn của sản xuất và nhu cầu thị trường.
MN