Đìu hiu thị trường xe máy cũ

Cập nhật ngày: 13/05/2013 05:53:09

Đến nay, dù quy định "xe chính chủ" đã bớt "nóng", nhưng lượng tiêu thụ xe máy cũ cũng giảm mạnh so với thời điểm năm trước. Quy định phạt nặng hành vi không làm các thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ phương tiện chính thức có hiệu lực, những người kinh doanh xe máy cũ gặp nhiều khó khăn.


Việc mua bán xe máy cũ đã ế ẩm từ nhiều tháng nay

Nghề "tút" xe máy cũ

Nhiều năm qua, những người làm nghề mua bán, trao đổi xe máy cũ ở thành phố Cao Lãnh (TPCL) có thể sống "khỏe" vì công việc tân trang xe cũ chưa bao giờ lỗi thời. Cả thành phố có đến hàng chục tiệm sửa xe chuyên "tút" những chiếc xe cũ thành phương tiện đi lại chắc chắn cho khách hàng có thu nhập thấp.

Anh Trần Văn Trọng - chủ tiệm sửa xe gắn máy Trọng (đường Nguyễn Văn Tre, phường 1) có thâm niên "cầm cờ-lê" hơn 12 năm. Theo anh, với một xe máy cũ điều quan trọng nhất là xác định xem đã "bổ" máy chưa, nếu xe đã từng bị bổ máy thì giá thấp hơn nhiều so với xe còn nguyên bản. Cách đây hơn 5 năm, loại xe Dream Nhật, Wave Thái cũ được những người nhiều tiền săn lùng, còn người lao động, công nhân, tiểu thương lại chọn xe máy Trung Quốc sản xuất.

Trong giới "tút" xe máy cũ, nhiều người biết đến anh Nguyễn Thanh Phong - chủ tiệm sửa xe Phong (đường 30/4, phường 1). Anh nổi tiếng không phải ăn nên làm ra nhờ nghề này mà vì anh biết phục chế, "phù phép" để những chiếc xe cũ đi êm ru, chạy khỏe hơn. Cánh xe ôm thường tìm đến anh nhờ "đại tu" xe cho công việc làm ăn được thuận tiện. Tiệm anh Phong chuyên mua xe cũ, xe thanh lý về "dọn" lại, từ sơn "bộ áo" xe, thay đèn, còi cho tới làm máy móc... Xe cũ, "xe nát", "xe mù" qua bàn tay anh là trở thành xe như mới, nhưng vì đã qua sử dụng nên dĩ nhiên giá chỉ bằng 1/2, 1/3 giá thị trường.

"Tút một chiếc xe cũ không phải dễ, có khi cả tuần lễ mới hoàn chỉnh... Mấy năm trước, nghề này làm ăn rất khấm khá. Mình thường thu mua xe cũ về sửa rồi bán lại, nhưng từ khi có Nghị định 71 của Chính phủ về "xe chính chủ" nên làm ăn khó khăn hơn" - anh Phong cho biết.

Đìu hiu thị trường

Quy định phạt nặng đối với việc không chuyển quyền sở hữu xe không chỉ khiến những người đang đi xe không "chính chủ" lo lắng, mà các chủ cửa hàng mua bán xe máy đã qua sử dụng cũng điêu đứng.

"Trước đây, công việc kinh doanh rất dễ, vì người mua chỉ cần có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, nay việc lo ngại xe không chính chủ khiến việc mua bán xe cũ lâm vào cảnh ế ẩm" - anh Võ Thành Đạt, cửa hàng mua bán xe máy trên đường Phạm Hữu Lầu (phường 4, TPCL) cho biết.

Quy định mua bán xe cũ phải sang tên đổi chủ không phải mới có, từ lâu đã buộc người mua xe phải thực hiện việc sang tên trong vòng 30 ngày. Nghị định 71 quy định, người sử dụng xe máy chưa sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng, thay vì chỉ 100 - 200 ngàn đồng như trước. Anh Đạt cho biết thêm: "Do sợ bị phạt, nên sau khi Nghị định 71 được thực thi, những người lỡ mua bán xe không sang tên đang tất bật tìm cách sang tên. Có nhiều khách cũ đến đề nghị cửa hàng làm giấy tờ".

Trước đây, ngày bình thường bán được vài chiếc xe. Giờ có khi cả tuần mà không bán được chiếc nào" - chị Ngô Thị Thanh Kiều, chủ cửa hàng mua bán xe máy đã qua sử dụng Tân Kiều 2 (ấp 1, xã Mỹ Tân) chia sẻ.

Công ty TNHH An Châu Chương (ở phường 2, thị xã Sa Đéc) chuyên kinh doanh xe máy mới và cũ cũng đang gặp khó khăn vì doanh số bán ra của xe máy cũ giảm đáng kể. Theo anh Võ Văn Thành Chương - Giám đốc công ty, có nhiều nguyên nhân, song quan trọng là tâm lý người dân ngại mua xe cũ vì vấn đề "chính chủ". Những tháng gần đây, số lượng xe cũ bán ra giảm khoảng 70%. Dù công ty đã hạ giá từ 1-6 triệu đồng/chiếc, bán giá vốn hoặc chịu lỗ nhưng tình hình kinh doanh xe cũ cũng không mấy khả quan.

Hiện thị trường xe máy cũ gần như "đóng băng". Dù theo Thông tư 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an thì thủ tục sang tên xe qua nhiều đời chủ đã đơn giản hơn, nhưng người dân còn tâm lý e ngại với việc sang tên đổi chủ vẫn chưa "khơi thông" được nên thị trường mua bán xe máy cũ ế ẩm từ nhiều tháng qua.

Nhựt An

Thông tư 11/2013 do Bộ Công an ban hành có hiệu lực từ ngày 15/4/2013, quy định chi tiết việc xử phạt đối với hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".

Theo đó, Cảnh sát giao thông sẽ không dừng phương tiện đang lưu thông trên đường để xử lý về hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định". Tuy nhiên, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra giải quyết tai nạn giao thông... nếu phát hiện xe không "chính chủ", Công an sẽ xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt.

Theo quy định tại Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012, hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với mô tô, xe gắn máy; 6 - 10 triệu đồng đối với ô tô.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn