Đồng Tháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 26/09/2019 13:43:49

ĐTO - Nằm ở thượng nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp được dự báo chịu nhiều sự tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế những năm qua, BĐKH thể hiện ngày càng rõ nét, gây áp lực ngày càng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường, đời sống, sức khỏe của người dân tỉnh nhà… Trước tình hình đó, tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và thích ứng với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất

Tác động của thiên tai và BĐKH

Sản xuất nông nghiệp đang chịu sự tổn thương lớn từ sự tác động của BĐKH. Trong những năm qua, lượng phù sa trên các sông Tiền, sông Hậu suy giảm đáng kể, diện tích đất bị nhiễm phèn có xu hướng tăng, nhất là vùng trũng Đồng Tháp Mười; sâu rầy phát triển, gây hại mạnh, nhiều bệnh lạ gây hại đối với ruộng lúa và các vườn cây ăn trái. Đối với chăn nuôi, dịch bệnh xuất hiện trên gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp.

Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở bờ sông, số lượng các điểm sạt lở tăng và nguy hiểm, vành đai sạt lở mở rộng gây thiệt hại lớn. Ước tính mỗi năm địa phương mất từ 30-50ha đất ven sông do tình trạng sạt lở gây ra. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ sạt lở đất dọc bờ bao, kênh, rạch và các sông nội đồng. Vấn đề này hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực.

Đối với hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tác động rõ nét. Xuất hiện nhiều đợt mưa rất to; nắng nóng kéo dài, số ngày nóng bức tăng, nhiệt độ trung bình cao, có hiện tượng khô hạn diễn ra không theo quy luật,... ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đáng lo ngại là nhiều loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng...

Theo thống kê của UBND tỉnh, thiệt hại về vật chất do thiên tai và BĐKH gây ra từ năm 2016 - 2018 là gần 240 tỷ đồng tác động vào sản xuất nông nghiệp, sạt lở bờ sông Tiền, sạt lở bờ bao kênh, rạch nội đồng; giông lốc, gió mạnh, sấm sét gây ra thiệt hại đối với nhà cửa, công trình hạ tầng. Riêng thiệt hại do ảnh hưởng của lũ năm 2018 là 183 tỷ đồng.

Trước sự tác động đó, tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai (bao gồm biện pháp công trình và phi công trình) và thích ứng với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch ngành, kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nội dung phòng, chống thiên tai và thích ứng với BĐKH vào trong các chính sách, đề án, kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm như: Đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương với trọng tâm là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu ngành du lịch, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười...

Ứng phó với thiên tai và BĐKH

Trên tinh thần phòng, chống thiên tai và thích ứng với BĐKH, tỉnh thực hiện các biện pháp phi công trình. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, cộng đồng và người dân về phòng, chống thiên tai, các tác động của BĐKH được triển khai thực hiện qua nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân, định hướng chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhằm giúp người dân giảm chi phí sản xuất, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH như: xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn 1P5G do Dự án VnSAT triển khai thực hiện ở 41 hợp tác xã, 1 Tổ hợp tác, với diện tích 22.500ha; dự án Rikolto hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP tại các hợp tác xã Tân Bình, Bình Thành, Tân Cường, Thắng Lợi; dự án BRIA 2 huấn luyện cho 2.500 hộ sản xuất lúa theo chuẩn SRP, gắn liên kết tiêu thụ với Tập đoàn OLAM...

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất góp phần giảm giá thành đang là vấn đề được tỉnh quan tâm trong bối cảnh của BĐKH. Theo đó, tỉnh phối hợp với các viện, trường nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác tiên tiến, lai tạo giống mới thích ứng với BĐKH tăng hiệu quả sản xuất tạo ra những nông sản có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Với các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa; mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và lợi nhuận thu về tăng thêm 2- 2,5 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán cũ. Ngoài ra, thực hiện các mô hình chuyển đổi luân canh cây màu trên đất trồng lúa giúp nông dân thu về lợi nhuận cao hơn từ 11-40 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Không chỉ mang lại lợi nhuận, mô hình này còn góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, cắt đứt nguồn sâu bệnh hại lúa cho vụ sau, tiết kiệm nước, giảm ô nhiễm môi trường và phù hợp với tình hình BĐKH hiện nay...

Không dừng lại đó, tỉnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn theo hướng tập trung, hiện đại, theo từng lĩnh vực và lợi thế của từng địa phương, nhu cầu thị trường thích ứng với BĐKH.

Trong thời gian qua, nhằm phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai thích ứng với BĐKH, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao năng lực trong chỉ đạo điều hành của các địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng và giúp người dân nâng cao khả năng thích ứng với thiên tai gây ra. Tổ chức đội cứu hộ cứu nạn, mở các lớp tập huấn sơ, cấp cứu; di dời hộ dân vùng sạt lở/ngập lũ di dời đến nơi an toàn; chương trình phổ cập bơi cho trẻ em từ 7 - 15 tuổi...


Tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp

Đối với biện pháp công trình, trong những năm qua, Đồng Tháp triển khai thực hiện các phương án, biện pháp công trình phòng, chống thiên tai thích ứng với BĐKH trọng điểm, cấp bách. Đơn cử như chương trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thích ứng với BĐKH ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020; xây dựng và nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt các công trình về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Đồng Tháp (Đề án 1002); thực hiện Đề án phòng, chống sét đánh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020...

Đối với giải pháp công trình, tỉnh còn thực hiện các dự án về phòng, chống sạt lở bờ sông ở các huyện: Châu Thành, Thanh Bình, Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc. Thực hiện chương trình quy hoạch, đầu tư cụm, tuyến dân cư, trong thời gian qua, các địa phương đã rà soát, bố trí các chương trình cụm, tuyến dân cư trên địa bàn tỉnh...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn