Đồng Tháp thực hiện Đề án kinh tế tuần hoàn đạt nhiều kết quả tích cực
Cập nhật ngày: 06/10/2024 05:35:34
ĐTO - Với khẩu hiệu của tỉnh năm 2024: “Chính quyền kiến tạo, công dân số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là 1 trong 4 thành tố trọng tâm, then chốt của tỉnh, đẩy mạnh triển khai, áp dụng hiệu quả mô hình KTTH nhằm tạo động lực phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu không chỉ phát triển kinh tế - xã hội mà còn phát triển kinh tế xanh.
Nông dân xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ sử dụng sản xuất nông nghiệp, góp phần tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường
Tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án KTTH
Theo Quyết định số 687 ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam đã giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, thực hiện lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp để tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án KTTH trên địa bàn để đạt được mục tiêu: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Đồng thời tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế; không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình KTTH ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều hoạt động duy trì và nhân rộng các mô hình: Tái chế chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp; Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Làng thông minh; Phân loại, thu gom tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt tại bãi rác tập trung; Dòng sông không rác; Câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... mang lại nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Liên quan đến thực hiện Đề án Phát triển KTTH, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là: thường xuyên quán triệt đến các đơn vị, địa phương thực hiện Đề án Phát triển KTTH theo lĩnh vực, ngành phụ trách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH và định hướng phát triển KTTH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KTTH như: lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, điển hình cho việc áp dụng, lồng ghép việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong các quy hoạch tại TP Sa Đéc; nâng cao năng lực phát triển KTTH thông qua triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn đàn kết nối, hợp tác, chia sẻ cho doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo trong nền KTTH...”.
Nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh
Tiếp tục thực hiện hành động về tăng trưởng xanh
Tỉnh Đồng Tháp đã lồng ghép các giải pháp phát triển KTTH vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, tỉnh thực hiện thể chế hóa KTTH thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính bảo đảm tính thống nhất, logic giữa hệ thống các văn bản để thực hiện KTTH một cách toàn diện, có hệ thống, có tính pháp lý cao và đồng bộ với các chính sách về thuế, phí, khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, tài chính, hỗ trợ về đất đai. Đặc biệt là các quy định đã được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan như: phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, thị trường “Tín dụng xanh”, “Trái phiếu xanh”, tín chỉ các-bon... nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thiết kế sản phẩm, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành trong công tác phối hợp kịp thời tham mưu UBND tỉnh đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách để phù hợp với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTTH trong thời gian tới. Trong năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: lồng ghép, gắn kết các mục tiêu tăng trưởng xanh vào công tác xây dựng các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch đảm bảo thực hiện tăng trưởng xanh chung của tỉnh; tham gia góp ý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện tăng trưởng xanh trong thời gian tới; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân và cộng đồng trong xã hội về tăng trưởng xanh; đưa nội dung giáo dục tăng trưởng xanh vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo.
Thời gian tới, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo việc đa dạng hóa các phương thức truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTH, cần có kế hoạch rõ ràng, định hướng phát triển KTTH trong các lĩnh vực ngành quản lý; thực hành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững trong cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Lồng ghép nội dung KTTH vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình sản xuất hữu cơ, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học.
Phát triển thị trường cho các sản phẩm theo tuần hoàn, theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý và tập trung vào công tác phân loại chất thải công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp giảm khối lượng chất thải thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh, tái sử dụng thông qua các mô hình KTTH tạo ra các sản phẩm có giá trị, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTTH, nông nghiệp xanh, sinh thái; tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về KTTH doanh nghiệp, người dân, người sản xuất phục vụ phát triển mô hình KTTH, nhất là trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh hoặc sản phẩm tiềm năng địa phương.
Các mô hình hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, bền vững trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh như: sản xuất phân hữu cơ từ vỏ ấu được thực hiện từ năm 2020 tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò nhằm mục đích tận dụng phần vỏ ấu phế phẩm để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, góp phần tăng thêm thu nhập từ trồng ấu, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị vỏ củ ấu của địa phương. Hay, mô hình thu chất thải phụ phẩm cá tra làm phân bón của Công ty CP Vĩnh Hoàn tận dụng từ phụ phẩm của cá tra sản xuất thành công những sản phẩm giá trị gia tăng như: các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, bột cá, mỡ cá cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Bùn thải, chất hữu cơ trong ao nuôi thủy sản được xử lý làm phân bón hữu cơ cung cấp cho cây trồng; nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh...
Nhìn chung, các mô hình KTTH tạo tiền đề tích cực để từng bước tiến đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, cộng đồng xung quanh, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời giúp cải tạo hệ sinh thái trong môi trường sản xuất, giúp đất đai tơi xốp, tăng độ mùn, kích thích hệ sinh thái phát triển; thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân.
|
Dũng Chinh