Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng
Cập nhật ngày: 15/12/2023 10:55:37
ĐTO - Năng suất và chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại, phát triển của doanh nghiệp (DN). Đây được xem là giải pháp phát triển bền vững khi DN biết tận dụng, khai thác tối ưu nguồn lao động, sử dụng kết hợp các yếu tố đầu vào hiệu quả…
Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến giúp sản phẩm của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp đáp ứng nhu cầu thị trường (Ảnh: Khánh Duy)
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 1/4/2021 thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch 105).
Theo đó, mục tiêu hướng tới là hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng; nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Trong năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình thông qua các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn, trang thông tin điện tử, bản tin khoa học công nghệ, chuyên mục truyền hình về năng suất chất lượng, câu chuyện truyền thanh, tuyên truyền các yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Nhằm đẩy mạnh thông tin, truyền thông, hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa, tỉnh Đồng Tháp tổ chức 6 lớp đào tạo, tập huấn gồm các nội dung về hướng dẫn nhãn hàng hóa và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại các huyện, thành phố; tập huấn nhận thức chung về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; tập huấn nâng cao nhận thức về áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho DN trên địa bàn tỉnh, với tổng số DN, cơ sở tham gia là 227 người.
Bên cạnh đó, tuyên truyền các nội dung hướng dẫn trình tự thủ tục hỗ trợ và kinh phí thực hiện theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo các tiêu chuẩn ISO 22000, VietGAP, HACCP, HALAL với tổng số tiền 313.425.000 đồng cho các đơn vị: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (huyện Cao Lãnh), Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu phát triển nông nghiệp Cánh Đồng Xanh (huyện Châu Thành), Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành), Tổ hợp tác sản xuất xoài VietGAP xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh). Đồng thời hướng dẫn Công ty TNHH Thương mại sản xuất Trí Tín (TP Cao Lãnh) xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với vỏ ca cao lên men.
Qua các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, thực hiện các nội dung từ chương trình góp phần khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ nhiều hơn, giúp nâng cao nâng suất chất lượng, sản phẩm. Đồng thời, Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn góp phần huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của DN, sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài tỉnh...
QUỐC SĨ