Dự án phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ đạt nhiều hiệu quả
Cập nhật ngày: 25/09/2022 19:49:05
ĐTO - Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức phi chính phủ của Bỉ Rikolto vừa tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Dự án (DA) phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018- 2021 và triển khai nhân rộng dự án giai đoạn 2022-2026.
Nông dân tham gia chương trình lúa gạo của Rikolto thăm đồng, chia sẻ tình hình chăm sóc lúa
DA hướng đến mục tiêu lúa gạo ở Việt Nam được sản xuất theo những cách an toàn, bền vững và được bán trên thị trường thông qua chuỗi cung ứng cạnh tranh và có hiệu quả mang lại cho các nông hộ sản xuất nhỏ. Các mô hình kinh doanh toàn diện đối với lúa gạo bền vững được lồng ghép trong toàn bộ ngành lúa gạo Việt Nam.
Giai đoạn 2018-2021, DA xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ tại 2 hợp tác xã (HTX): HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò; HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình. Qua liên kết tiêu thụ, sản phẩm làm ra của nông dân đều tiêu thụ hết, không bị tồn đọng, giá cả cao hơn các vùng lân cận vì 2 HTX này có kế hoạch sản xuất trái vụ với các địa phương khác do HTX đủ cơ sở vật chất đảm bảo cho việc xuống giống an toàn.
Từ những thành công của 2 HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Rikolto và các địa phương nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo chuẩn Diễn đàn Lúa Bền vững (SRP) thêm 7 HTX tham gia. Kết quả đến cuối năm 2021 có 9 HTX trên địa bàn 4 huyện, với tổng diện tích sản xuất theo chuẩn SRP vụ đông xuân năm 2020-2021 là 1.671ha, với 497 hộ tham gia; vụ hè thu năm 2021 là 1.761ha, với 514 hộ tham gia.
Tổng vốn viện trợ không hoàn lại do Tổ chức Rikolto cam kết tài trợ giai đoạn 2018-2021 là trên 5,5 tỷ đồng, với ngân sách chính do Tổng vụ Hợp tác Phát triển Bỉ (DGD) tài trợ.
Theo đánh giá, DA thúc đẩy tổ chức nông dân (HTX) tiếp cận các mối quan hệ kinh doanh bao trùm trong chuỗi giá trị được tổ chức chặt chẽ; nâng cao năng lực sản xuất lúa bền vững của các thành viên, lao động trẻ và lao động nữ trong HTX tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; thử nghiệm xác định tính khả thi áp dụng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm có sự tham gia (PGS) cũng như cơ chế đảm bảo lúa được sản xuất theo tiêu chuẩn SRP; tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp được tập huấn chuyên môn, hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động, xây dựng các mô hình sản xuất mẫu, thay đổi tập quán canh tác sản xuất theo hướng an toàn (SRP) giúp nông dân đạt lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình.
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP nông dân sử dụng lượng giống bình quân 117kg/ha, so với nông dân ngoài mô hình DA; lượng giống bình quân giảm 40kg/ha; sử dụng phân bón cân đối theo nhu cầu của cây lúa qua từng giai đoạn nên tiết kiệm được chi phí phân bón bình quân 1.628.000 đồng/ha so với ruộng nông dân chưa áp dụng tiêu chuẩn SRP. Hàng tuần, có cán bộ kỹ thuật thăm đồng cùng nông dân phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, đưa ra biện pháp quản lý thích hợp. Trong suốt vụ, ruộng mô hình sử dụng 2 lần thuốc trừ sâu, thấp hơn ruộng đối chứng 1 lần. Nhờ thăm đồng thường xuyên, xác định đúng thời điểm phun nên số lần phun thuốc bảo vệ thực vật của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình, tiết kiệm được 1.173.000 đồng/ha. Từ những kết quả trên, mô hình tiết kiệm tổng chi phí lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động bình quân 3.723.000 đồng/ha.
Ông Nguyễn Thế Mạnh - Quản lý Chương trình lúa gạo, Rikolto tại Việt Nam, Giám đốc Chương trình lúa gạo, Rikolto tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Rikolto sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân và các HTX áp dụng sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SGP. Chúng tôi sẽ cùng hợp tác với các công ty tư nhân để đưa lúa gạo đã được kiểm định SRP ra thị trường, đồng thời tập trung vào các tác động về biến đổi khí hậu ở qui mô lớn với mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính”.
Chương trình lúa gạo của Rikolto tại Việt Nam hướng tới mục tiêu thay đổi ngành lúa gạo theo hướng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững nhằm cung cấp gạo với giá phải chăng, an toàn, lành mạnh và bền vững tới người tiêu dùng; tạo ra lợi nhuận và công ăn việc làm cho tất cả tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là các nông hộ nhỏ, bao gồm cả nam giới, phụ nữ và thanh niên; giảm tác động tới môi trường do việc canh tác lúa và bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau bằng cách giảm tiêu thụ nước và phát thải khí nhà kính.
TN