Đưa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm đi vào hiện thực

Cập nhật ngày: 09/10/2013 04:42:00

Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là mặt hàng lúa gạo và thủy sản, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh còn gặp một số khó khăn như: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún làm tăng rủi ro, cản trở các hình thức phát triển liên kết; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn chậm phát triển so với yêu cầu, công nghiệp chế biến nông sản có quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu; kinh phí đầu tư cho lãnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp; tính liên kết trong khu vực chưa cao; việc phát triển các mô hình liên kết còn gặp một số khó khăn nhất định, do đang trong giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm,... Những khó khăn, thách thức mà nông nghiệp tỉnh đang gặp phải đặt ra nhu cầu cấp thiết về mô hình tăng trưởng cho ngành nông nghiệp của tỉnh và phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn.

Trung ương đã chọn Đồng Tháp làm điểm để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu tổng thể của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là xác định những luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng, hiệu quả theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm tạo ra tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững cho ngành nông nghiệp và phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn tỉnh, trong đó, lấy mô hình cánh đồng liên kết làm nền tảng để nhân rộng.

Nội dung của Đề án là đánh giá thực trạng và vai trò của ngành nông nghiệp và lao động nông thôn trong nền kinh tế của tỉnh, đánh giá tính hiệu quả bền vững của ngành nông nghiệp, từ đó xác định các điểm nghẽn, nút thắt trong tăng trưởng nông nghiệp và phân bổ lao động thôn của tỉnh. Yêu cầu của Đề án là việc xây dựng Đề án được thực hiện trên cơ sở khoa học và thực tiễn thông qua rà soát, rút kinh nghiệm những kết quả nghiên cứu đã có, các phát kiến, mô hình thực tiễn thành công trong và ngoài tỉnh. Đề án đặt sự phát triển ngành nông nghiệp tỉnh trong mối liên kết với ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong mối liên kết nội vùng Tây Nam bộ và liên vùng Tây Nam bộ - Đông Nam bộ, Đề án cũng đặt sự phát triển của ngành nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Hiệu quả sau khi triển khai thực hiện Đề án là thay đổi mô hình tăng trưởng cho ngành nông nghiệp của tỉnh nhằm vượt qua được những giới hạn của mô hình tăng trưởng hiện có, phát huy tối đa những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, con người của tỉnh, khắc phục được những thách thức đem lại từ những biến động kinh tế, môi trường trên phạm vi cả nước, toàn cầu; sắp xếp lại lực lượng lao động nông thôn của tỉnh; cung cấp căn cứ, định hướng lớn nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sau khi thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó sẽ trình Chính phủ và chính thức được công bố, sớm đi vào hiện thực.

Đồng Dao

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn