Mekong Connect 2020

Đưa sản phẩm địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu

Cập nhật ngày: 21/12/2020 17:18:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20201222053027mekong.mp4

ĐTO - Sáng ngày 21/12, tại TP.Cao Lãnh diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu khai mạc diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố ABCD – Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công. Tuy nhiên, việc liên kết chưa đạt như mong đợi được xem là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng.


Lãnh đạo 4 tỉnh ABCD trao đổi về sự liên kết phát triển của khu vực

Diễn đàn lần này chọn chủ đề “Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” với mục tiêu tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam chinh phục cả người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ĐBSCL trước mắt là các tỉnh ABCD muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp kỳ vọng, với sự nỗ lực của Đồng Tháp sẽ góp phần có một Mekong Connect 2020 đổi mới, thiết thực.


Trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra hoạt động triển lãm các sản phẩm, mô hình hoạt động sáng tạo của địa phương

Tại diễn đàn, 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp (ABCD Mekong) chủ trì thực hiện các chủ đề: (1) Công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP; (2) Xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL; (4) Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Đây là các nhóm chủ đề lớn, mang tính cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế, hướng đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay. Đồng thời tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lợi thế là Quốc gia khống chế tốt dịch Covid-19 để đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, tại diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) chia sẻ về Hiệp định EVFTA và định hướng phát triển ĐBSCL, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) chia sẻ chuyên đề Đầu tư cho “nguồn năng lượng sạch” để thay đổi kinh tế đồng bằng.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần lựa chọn thứ tự ưu tiên. Trong đó, phát triển hạ tầng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu, huy động thêm các nguồn lực xã hội; đồng thời quan tâm giải quyết nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực. Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, Chủ tịch VCCI đề nghị 13 tỉnh, thành phố trong khu vực kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ với nhau và với trung tâm kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời kiến nghị Trung ương xây dựng Chương trình muc tiêu Quốc gia phát triển miền Tây, thành lập Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc tế đặt tại ĐBSCL...


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nếu chỉ nhìn thấy cá, tôm hiện có thì 5 - 10 năm nữa các tỉnh ĐBSCL vẫn chỉ phát triển như vậy. Thay vào đó, chúng ta nên biết tận dụng lợi thế sẵn có, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để khai thác những giá trị tài nguyên bản địa mà các tỉnh đang sở hữu. Từ đó phát triển thêm những sản phẩm mới để giải quyết được nhiều công ăn việc làm ở nông thôn, tạo ra giá trị kinh tế nhiều hơn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, để có thể kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết nông nghiệp phải sạch, sản xuất nông nghiệp không làm tổn thương đến môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh nên xây dựng nền nông nghiệp chung của ĐBSCL dựa trên nền sản xuất sạch, an toàn, bảo vệ môi trường.

Trong phần thảo luận chủ đề “Những triển vọng mới thúc đẩy phát triển cho đồng bằng”, các diễn giả gồm gồm: bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, bà Bùi Kim Thùy – đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, ông Phạm Phú Trường – Giám đốc điều hành Tổ chức VBI Fast Track chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung thiết thực như: Hội nhập và phát triển bền vững với kinh tế tuần hoàn; tận dụng các Hiệp định thương mại tự do bước vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi để phát triển nông nghiệp đồng bằng theo hướng bền vững và hiệu quả; xu hướng mới chọn lọc nhà đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của đồng bằng.


Trao Chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho 13 doanh nghiệp

Nhân sự kiện này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao Chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho 13 doanh nghiệp; Trung tâm BSA ký kết phối hợp trưng bày và kết nối thương mại các sản phẩm với các tỉnh, thành phố ABCD – Mekong và chương trình SKC (khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).

MỸ NHÂN - MỸ LÝ - TÂM BÌNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn