Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Cập nhật ngày: 21/12/2020 05:28:36

ĐTO - Với mong muốn giúp cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cập nhật kip thời các thay đổi về chính sách nhập khẩu đối với các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các FTA, Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị tập huấn “Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Tham dự có đại diện các DN xuất khẩu thủy sản ở các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang.

Năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid – 19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn. Song, nhờ sự nỗ lực từ cộng đồng DN, ước xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 đạt trên 8,58 tỷ USD, tương đương với xuất khẩu năm 2019. Để đạt được kết quả đó, còn có sự nỗ lực của Chính phủ trong việc kiên trì thực hiện các đàm phán và ký kết thành công các FTA song phương lẫn đa phương với nhiều quốc gia. Với các FTA mà Việt Nam đã ký kết, mang lại nhiều thuận lợi cho các DN trong xuất khẩu, nông lâm thủy sản, đặc biệt là thủy sản.

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phòng tránh và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng thủy sản; đưa ra các khuyến nghị về xuất xứ khi xuất khẩu thủy sản trong các FTA hiện nay. Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng phân tích về thực trạng phát triển và một số vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản hiện nay và đề xuất một số giải pháp để xuất khẩu thủy sản tốt hơn trong những giai đoạn sắp tới.

Hội nhập kinh tế quốc tế mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng các DN cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó với các phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu. Theo đó, DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác, nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình; thường xuyên trao đổi thông tin với các Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước; dự trù việc thuê luật sư hỗ trợ tham gia kháng kiện khi cần thiết; xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại; lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu...

Mỹ Lý

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn