Duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất
Cập nhật ngày: 20/08/2024 15:54:32
ĐTO - Ngày 20/8, Đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện làm Trưởng đoàn đã đến huyện Cao Lãnh khảo sát thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
Đoàn công tác của UBND tỉnh đến khảo sát thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững tại huyện Cao Lãnh
Thời gian qua, huyện Cao Lãnh quan tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người sản xuất, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với sở, ngành tỉnh lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án, đề án khuyến công, khoa học công nghệ... từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm (tăng 1,25 lần so với năm 2020), ước đến cuối năm 2024 đạt 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 1,26% (672 hộ) và cận nghèo 2,66% (1.413 hộ). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 2.380ha (đạt 95% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt hơn 2.800ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 12% sản lượng cây ăn trái (vượt 1,68% kế hoạch); diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đạt 25.723ha (vượt 2,9% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt 27.000ha.
Toàn huyện hiện có 60 sản phẩm OCOP gồm 16 sản phẩm OCOP 4 sao và 44 sản phẩm OCOP 3 sao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76% (đạt 95% kế hoạch), ước đến cuối năm 2024 đạt 78%; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 37% tổng lao động xã hội, ước đến cuối năm 2024 đạt 37%. Huyện thành lập 4 hợp tác xã (đạt 100% kế hoạch); có 68% hợp tác xã có từ 3 - 5 dịch vụ hoạt động đạt hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và người dân. Đồng thời triển khai thực hiện Đề án của tỉnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, có 40% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến (đạt 67% kế hoạch); có 100% sản phẩm OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 6 xã NTM nâng cao, tăng 5 xã so với năm 2021, ước đến cuối năm 2024 có thêm 7 xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã NTM nâng cao trên toàn huyện 13 xã, tăng 76% so với năm 2020. Qua rà soát theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM và 5/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2024 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện các chỉ tiêu và đề xuất các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu tại buổi làm việc với huyện Cao Lãnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện ghi nhận những kết quả của huyện Cao Lãnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó, đề nghị huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tỉnh hỗ trợ huyện trong xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn giảm nghèo bền vững và các chỉ tiêu để sớm đạt huyện NTM nâng cao.
Đoàn công tác đến thăm và khảo sát hộ cận nghèo Trần Văn Cổi, ngụ ấp 3, xã Gáo Giồng tiếp cận dự án hỗ trợ giảm nghèo
Dịp này, Đoàn công tác đã đến khảo sát hộ cận nghèo Trần Văn Cổi, ngụ ấp 3, xã Gáo Giồng tiếp cận dự án hỗ trợ giảm nghèo; mô hình Sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và ứng dụng sạ cụm, sạ hàng, thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 2 Gáo Giồng.
MỸ LONG