Phấn đấu xây dựng huyện Tháp Mười đạt huyện nông thôn mới nâng cao

Cập nhật ngày: 15/08/2024 13:49:54

ĐTO - Ngày 15/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững tỉnh (viết tắt là BCĐ tỉnh) do đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ tỉnh đến làm việc với BCĐ huyện Tháp Mười về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện Tháp Mười. 


Đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Báo cáo với BCĐ tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, bám sát Kết luận số 250 của Tỉnh ủy khóa XI về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, các kế hoạch của UBND tỉnh, huyện tập trung lãnh đạo, điều hành kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chú trọng định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Chú trọng nâng cao giá trị chuỗi các ngành hàng thông qua sản phẩm OCOP. Cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hợp tác xã; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch; áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công ty, doanh nghiệp. 

Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, huyện Tháp Mười thực hiện đạt và vượt 13/25 chỉ tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, còn 12 chỉ tiêu dự kiến đến cuối năm 2025 đạt kế hoạch đề ra. Nổi bật, huyện thành lập được 1 vùng nguyên liệu trong sản xuất lúa; có 23 hợp tác xã, diện tích liên kết thông qua hợp tác xã là 2.967,1ha; các ngành hàng chủ lực: lúa gạo, sen, mít, ếch, vịt, cá sặc rằn phát triển cho giá trị kinh tế cao; có 38 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Về công tác xây dựng NTM và giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, huyện có 6/12 xã được công nhận xã NTM nâng cao; ước cuối năm 2024, huyện thực hiện đạt 100% các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,09%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,67%; huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. 

Tại buổi làm việc, đại diện sở, ngành thành viên BCĐ tỉnh đề xuất một số giải pháp để huyện Tháp Mười nâng cao hiệu quả trong xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững như: xây dựng thêm vùng nguyên liệu; tập huấn các kỹ thuật, cách phòng bệnh trong chăn nuôi ếch, cá sặc rằn cho hộ chăn nuôi; tập trung rà soát, phân loại các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp… Bên cạnh đó, BCĐ huyện Tháp Mười kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện Cụm công nghiệp Trường Xuân; kiến nghị sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ huyện thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo.  


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn (bìa phải) thăm hỏi nông dân tham gia mô hình canh tác lúa tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu (giảm phát thải) đạt chứng nhận VietGAP tại Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đề nghị BCĐ huyện cần tiếp tục tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững, duy trì các mô hình hiệu quả. Ngoài ra, cập nhật lại số liệu báo cáo, rà soát các chỉ tiêu đạt được, đánh giá các hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Bổ sung các chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành trong thực hiện các chỉ tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao để sớm đạt huyện NTM nâng cao. 


Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh khảo sát mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá của anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1983) ngụ ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười

Trước đó, Đoàn công tác BCĐ tỉnh đến thăm các mô hình: canh tác lúa tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu (giảm phát thải) đạt chứng nhận VietGAP tại Ấp 5 (xã Đốc Binh Kiều); nuôi ếch kết hợp nuôi cá ở ấp Mỹ Thị B (xã Mỹ An).

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn