Huyện Tháp Mười thực hiện đồng bộ, có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Cập nhật ngày: 11/08/2024 05:53:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240811055441dt2-2.mp3

 

ĐTO - Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) (viết tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (viết tắt là Kết luận số 06-KL/TW) luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Tháp Mười xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của địa phương.


Chị Trần Thị Bé Mười ngụ ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư trồng lan đạt hiệu quả khá cao

Tín dụng chính sách được các ngành, các cấp triển khai toàn diện, nghiêm túc, sát thực tế, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện. Hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện ngày càng đi vào nền nếp; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền để triển khai các chủ trương về tín dụng chính sách liên quan kịp thời, hiệu quả.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, các đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo nước sạch, vệ sinh, sửa nhà, cho con đi học..., góp phần an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, từng bước thoát nghèo. TDCSXH được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi tại địa phương, là công cụ kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, phát triển bền vững.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động TDCSXH trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng hiệu quả nguồn vốn; các ban, ngành huyện phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép các chương trình dạy nghề nông thôn, chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật; đã mở 131 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 4.247 học viên tham gia; hỗ trợ 33.218 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi với số tiền 832 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, góp phần giúp 7.229 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 2.708 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn; tạo việc làm cho 4.766 lao động; giúp 214 hộ nghèo và các gia đình chính sách xây dựng được nhà ở vững chắc; có 14.299 công trình nước sạch, nhà vệ sinh được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tạo sự ổn định xã hội vùng nông thôn. Nguồn vốn TDCSXH đáp ứng kịp thời gần như tất cả các nhu cầu, nguyện vọng sinh kế của các tầng lớp nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3,66% năm 2014 xuống còn 1,09% vào cuối năm 2023, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn huyện từ 29 triệu đồng/người (năm 2014) lên 67 triệu đồng/người (năm 2024).

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác thời điểm ngày 31/12/2014 (chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW) là hơn 2,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn đạt gần 15,5 tỷ đồng (tăng gần 12,7 tỷ đồng so với năm 2014) và nguồn vốn huy động năm 2014 là 992 triệu đồng, đến ngày 30/6/2024 là hơn 47,6 tỷ đồng (tăng hơn 46,6 tỷ đồng), chiếm 8,9% tổng nguồn vốn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến đoàn viên, hội viên và quản lý tốt các nội dung được NHCSXH ủy thác, quản lý trên 453 tỷ đồng (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện quản lý 54 tổ, dư nợ 96 triệu đồng; Hội Nông dân quản lý 83 tổ, dư nợ trên 144,5 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 59 tổ, dư nợ gần 99,8 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 62 tổ; dư nợ hơn 113,2 tỷ đồng).

Đồng chí Trần Thị Quý - Bí thư Huyện ủy Tháp Mười cho biết, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy , UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH; quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền cần xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy và chính quyền địa phương; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho TDCSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững... Huyện bám sát chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn; HĐND và UBND huyện tiếp tục bố trí nguồn lực ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn