Giá lúa có chiều hướng trái chiều sau khi Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ

Cập nhật ngày: 04/03/2015 13:50:21

Sau 3 ngày triển khai thu mua 1 triệu tấn gạo theo quyết định của Chính phủ, giá lúa trên thị trường tỉnh Đồng Tháp đang có chiều hướng trái chiều, một số loại lúa thơm hoặc IR 50404 có chiều hướng tăng nhẹ, riêng Jasmine giảm hơn so với trước Tết.

Doanh nghiệp thu mua lúa ở Tam Nông

Cụ thể, hiện giá lúa IR 50404 thương lái mua tại ruộng từ 4.450-4.500 đồng/kg, lúa hạt dài OM 4900, OM 6976 giá 4.600-4.650 đồng/kg, riêng lúa Jasmine giảm hơn trước Tết từ 250-300 đồng/kg, cụ thể lúa Jasmine tại ruộng (ngày 2/3) giá 4.700-4.800 đồng/kg. Hiện tại, các doanh nghiệp đều được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ nên đã tăng cường số lượng thu mua.

Dân vùng liên kết vui vì được trợ giá

Ông Phạm Văn Bền ở ấp Mỹ Tân, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười vừa thu hoạch 8 công lúa IR 50404 và được thương lái đến mua tận ruộng phấn khởi cho biết: “Mấy ngày nay giá lúa tăng từ từ, hôm qua là 4.450 đồng, bây giờ (ngày 2/3) là 4.500 đồng/kg. Giá lúa tăng đúng vào thời điểm thu hoạch rộ nên ai cũng phấn khởi, đỡ phải lo đầu ra mà thu nhập cũng khá”. Theo ông Bền, phần lớn nông dân trong ấp vụ này đều làm giống IR 50404, năng suất đạt khá cao, lại bán có giá nên rất phấn khởi.

Theo thương lái Cao Thanh Hải, nguyên nhân lúa IR 50404 tăng là do các kho lúa tăng cường số lượng mua nhờ hợp đồng ký kết tập trung với Philippin 300.000 tấn gạo, còn lúa Jasmine giảm là phần lớn lượng lúa này là do doanh nghiệp tư nhân mua xuất khẩu nhưng do hợp đồng xuất khẩu chưa ký kết được nhiều.

Mặc dù giá lúa Jasmine hiện giảm so với trước Tết, cũng như cùng kỳ năm trước khoảng 300 đồng/kg, nhưng nông dân làm theo mô hình cánh đồng liên kết với Công ty TNHH TM XNK Lộc Anh (thuộc Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà) được công ty hỗ trợ giá nên không mấy lo lắng.

Anh Võ Văn Út Nhỏ ở ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vụ này sản xuất 5ha lúa Jasmin 85, vừa thu hoạch mấy ngày trước. Anh cho biết, vụ sản xuất này nhờ theo quy trình của hợp tác xã (HTX) nên chi phí giảm, năng suất đạt khá cao, trung bình 7 tấn/ha. Vụ trước chi phí cho một ha lúa tốn 13 triệu đồng thì vụ này áp dụng quy trình của HTX triển khai chi phí giảm 1 triệu đồng/ha. Thêm nữa, nhờ làm liên kết nên được Công ty Lộc Anh hỗ trợ cao hơn giá thị trường bên ngoài vài trăm đồng với giá 5.180 đồng/kg nên chúng tôi yên tâm hơn.

Theo ông Mai Tân Tiến - Phó Giám đốc HTX Tân Tiến (xã Phú Đức), mặc dù cánh đồng hơn 380ha của HTX thu hoạch trước thời điểm Chính phủ triển khai chính sách tạm trữ khoảng 2 ngày, song do liên kết với Công ty Lộc Anh, được hỗ trợ giá cao hơn bên ngoài cho nông dân nên đa phần nông dân đều có lãi. Bên cạnh đó, trong vụ đông xuân này HTX triển khai mô hình cánh đồng lớn tại đây khá hiệu quả nên nông dân có thêm phần lợi nhuận từ việc giảm chi phí. Trong đợt 1 này, HTX thu hoạch trên 380ha, năng suất đạt 7 tấn/ha, lúa Jasmine 85 được công ty thu mua với giá 5.180 đồng/kg, tuy không cao so với những vụ trước, song so với thời điểm hiện tại ngoài thị trường đã cao hơn khoảng 200-250 đồng/kg, nông dân HTX đều rất yên tâm.

Doanh nghiệp tăng cường thu mua theo chỉ tiêu phân bổ

Ông Đoàn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH TM XNK Lộc Anh cho biết, công ty vẫn thực hiện mua diện tích lúa đã bao tiêu trước đó với các HTX trên địa bàn tỉnh. Mặc dù giá lúa Jasmine hiện nay giảm nhưng công ty vẫn giữ mức giá mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường từ 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, 5.180 đồng/kg đối với giống lúa Jasmine 85 và 4.700 đồng/kg đối với giống lúa OM 6976.

Về việc phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ, ông Hiền cho biết, vụ đông xuân này, đơn vị đăng ký với VFA thu mua ở 2 công ty (Công ty Võ Thị Thu Hà và Công ty Lộc Anh) là 65.000 tấn lúa, nhưng doanh nghiệp chỉ được phân bổ chỉ tiêu 8.000 tấn là quá ít so với nhu cầu của công ty. Trong khi đó, 3 tiêu chí hàng đầu là: ưu tiên liên kết chuỗi, năng lực tài chính, cơ sở vật chất thì công ty đều đảm bảo. Đặc biệt, đơn vị đang hỗ trợ nông dân trong việc trợ giá, thực hiện cánh đồng liên kết nhưng không được ưu tiên. Tuy vậy, để thực hiện tốt vai trò của doanh nghiệp, công ty vẫn hỗ trợ giá cho nông dân như từ trước đến nay đã làm.

Đối với Công ty Lương thực Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 22.000 tấn quy gạo. Theo đại diện công ty, khi nhận được chỉ tiêu phân bổ, công ty đã chỉ đạo cho 5 xí nghiệp chế biến lương thực trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa, gạo cho nông dân bằng nhiều hình thức như tổ chức thu mua tại các kho chứa, thu mua thông qua việc liên kết với thương lái, các nhà máy xay xát và thu mua trực tiếp tại ruộng thông qua việc thực hiện cánh đồng liên kết bao tiêu lúa cho nông dân.

Hiện mỗi ngày công ty thu mua từ 700 tấn đến trên 1.000 tấn lúa, công ty sẽ cố gắng hoàn thành sớm chỉ tiêu thu mua tạm trữ theo quy định.

Hiện nay, Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ vụ đông xuân và sẽ kết thúc vào cuối tháng 3. Trong tổng số 202.000ha đã xuống giống, hầu hết đều đạt năng suất từ 7 tấn trở lên.

Mỹ Nhân

Đợt mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2015, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân bổ chỉ tiêu cho 27 doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mua 157.000 tấn quy gạo cho nông dân. Trong đó, 3 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu lớn nhất là Công ty Lương thực Đồng Tháp 22 ngàn tấn, Công ty lương thực Miền Bắc 17 ngàn tấn và Công ty TNHH Phương Thanh 12 ngàn tấn.

Nét mới của chương trình tạm trữ đợt này là có sự tham gia của 2 HTX, đó là HTX Thắng Lợi ở TP.Cần Thơ và HTX Tân Cường ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Cả hai HTX đều được giao thực hiện mua tại địa bàn Đồng Tháp với sản lượng mỗi HTX là 2.000 tấn quy gạo.

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn