Giải cứu nông sản - chuyện con cá và cần câu

Cập nhật ngày: 10/07/2017 06:09:22

Thời gian gần đây, giá một số nông sản trong cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng giảm sâu làm người sản xuất lao đao, thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần, trở thành mối quan tâm của xã hội, là một trong những đề tài nóng tại diễn đàn Quốc hội.

Không thể phủ nhận nông dân ta ngoài tính cần cù, chăm chỉ còn rất năng động trong nền kinh tế thị trường. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu tự cung, tự cấp đã dần hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, qui mô ngày càng lớn, liên kết đầu vào, đầu ra. Những cây, con của địa phương có năng suất, hiệu quả thấp, không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đã được thay thế bằng cây, con đặc sản vốn chỉ riêng có ở những vùng miền có khí hậu, thổ nhưỡng khác như thanh long, sầu riêng, nhãn Ido, cá diêu hồng. Có động vật hoang dã được thả nuôi, cho sinh sản thành công với qui mô trang trại như cá sấu, tôm càng xanh.

Thế nhưng mọi chuyện không phải đều thuận buồm, xuôi gió khi nông sản dội hàng ế chợ, đến mức Nhà nước và xã hội phải chung tay giúp nông dân tiêu thụ, từ dưa hấu đến heo, bí đỏ..., còn nông dân lại tiếp tục điệp khúc: trồng - chặt.

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn được tổ chức từ tầm vĩ mô, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến hộ gia đình nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng thị trường, giá cả nông sản bấp bênh, được mùa mất giá.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như cung vượt cầu, thị trường trong nước và nước ngoài không ổn định, công tác dự báo đầu vào, đầu ra còn hạn chế, giá thành sản xuất cao, sản phẩm chế biến chưa được quan tâm đúng mức, bị phá hoại qua việc tạo ra nhu cầu ảo... Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, quản lý sản xuất, tìm kiếm thị trường, vai trò của truyền thông.

Đảng ta lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước cụ thể hóa đường lối, chủ trương bằng qui hoạch, kế hoạch, hành lang pháp lý..., như qui hoạch sử dụng đất, sử dụng ngân sách để phát triển ngành nghề... Thế nhưng, có cán bộ ngành nông nghiệp mạnh dạn tuyên bố: nông dân muốn nuôi trồng gì cũng được, miễn là đừng trồng cây thuốc phiện, cho thấy đã xem nhẹ hoặc buông lỏng vai trò quản lý nhà nước.

Khi xuất hiện mô hình sản xuất có hiệu quả, cơ quan tuyên truyền nhanh chóng giới thiệu, quảng bá, nhưng không ít tin bài chỉ mới dừng lại ở hiệu quả của mô hình, không hoặc thiếu khuyến cáo về những khó khăn, rủi ro có thể gặp phải, nhất là về thị trường tiêu thụ. Nông dân, do nghe thấy hiệu quả nên đua nhau sản xuất trong khi thiếu những thông tin cần thiết về các yếu tố liên quan, thậm chí quyết định đến hiệu quả như chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ, qui trình tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ...

Hiện nay, mặc dù sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển cả về qui mô, trình độ, tính chất nhưng chưa rộng khắp cộng với tập quán sản xuất, khả năng có hạn... nên đa số nông dân chưa thể tự mình tìm kiếm thị trường, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, can thiệp, trước hết là của Nhà nước.

Biết được nguyên nhân, còn lại là tìm giải pháp khắc phục. Nông dân phải tự cứu mình trước khi trời cứu, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp... Nhà nước, các tổ chức xã hội, báo chí, hợp tác xã... phát huy tốt vai trò, chức năng của mình, hướng dẫn và cùng bơi với nông dân.

Giải cứu hàng nông sản suy cho cùng là giúp nông dân con cá trong lúc thắt ngặt, trong khi nông dân cần cái lớn hơn là cần câu.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn