Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá
Cập nhật ngày: 07/07/2017 10:37:04
ĐTO - Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,42% (chỉ tiêu kế hoạch là 7,5%). Ước tổng giá trị GRDP tăng 24.048 tỷ đồng, đạt 49,8% kế hoạch, thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.468 tỷ đồng, đạt 52,47% dự toán năm. Đầu tư công ước tổng giá trị giải ngân 1.114 tỷ đồng, đạt 31,84% kế hoạch, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.
Năng suất lúa đạt thấp hơn so với những năm gần đây, nên tổng sản lượng toàn tỉnh giảm gần 251.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là mùa nước lũ nhỏ trong nhiều năm liền nên thiếu lượng phù sa bổ sung làm cho đất bạc màu, cùng với thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa vào thời điểm lúa đang trổ bông...
Tuy nhiên, với việc áp dụng nhiều phương pháp canh tác mới làm giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg; sự tham gia liên kết tiêu thụ của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã góp phần ổn định giá lúa, cũng như tăng lợi nhuận cho nông dân. Diện tích trồng hoa kiểng hiện tại khoảng 1.000ha, tăng 11% so với cùng kỳ, người nông dân đạt lợi nhuận cao từ 170 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 59% kế hoạch, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, do giá cá tra nguyên liệu tăng cao, hộ nuôi đạt lợi nhuận từ 1.300 - 4.700 đồng/kg. Hiện toàn tỉnh có gần 810/1.530ha nuôi cá tra được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, đa số hộ dân thực hiện hình thức nuôi gia công với các DN. Hình thức liên kết này phù hợp với hộ nuôi nhỏ lẻ, người nuôi không vay nợ ngân hàng, không lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, được cung cấp thức ăn, hỗ trợ về kỹ thuật, quyền lợi gắn liền với DN nên lợi nhuận ổn định.
Toàn tỉnh hiện có 32/119 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. TP.Sa Đéc đủ điều kiện xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã có 20 hội quán nông dân được thành lập, mỗi hội quán gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương.
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, nhiều DN đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,37%, đạt 4.091 tỷ đồng, tăng hơn 277 tỷ đồng. Xuất khẩu hàng hóa đạt 47,74% kế hoạch, mặt hàng gạo xuất khẩu giảm nhiều. Nguyên nhân do Thái Lan thực hiện chiến dịch giải phóng hàng tồn kho, bên cạnh đó, các nước có nguồn cung lớn như Ấn Độ, Pakistan đẩy mạnh xuất khẩu nhưng các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống lại thực hiện chính sách tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu.
Đặc biệt, Trung Quốc (chiếm 40% thị phần) thay đổi phương thức nhập khẩu, thắt chặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng. Về nhập khẩu đạt gần 49% kế hoạch, chủ yếu vẫn là xăng dầu và một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được thực hiện, đã thu hút trên 1,7 triệu lượt du khách, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhờ đó đã thu hút 15 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng nguồn vốn 1.474 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 320 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 31.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh có 182 DN thành lập mới với tổng số vốn 888 tỷ đồng, nâng tổng số DN lên 4.453 DN với tổng số vốn đăng ký 38.357 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười của Chính phủ, Đồng Tháp đã phối hợp với tỉnh Long An và Tiền Giang thống nhất xây dựng khung Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tập trung trên các lĩnh vực: tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước;...
Đ.D