Hiệu quả từ cánh đồng liên kết bao tiêu sản phẩm lúa tại huyện Tháp Mười

Cập nhật ngày: 12/04/2013 05:29:02

Vụ đông xuân năm 2012-2013 là vụ lúa đầu tiên nông dân trong huyện Tháp Mười thành công từ thực hiện cánh đồng liên kết, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho người nông dân, giúp nông dân có đầu ra ổn định, không phải chịu điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Từ thành công này, vụ hè thu 2013, Tháp Mười tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho người nông dân với diện tích tăng gấp 2,5 lần so với vụ đông xuân.

Vụ đông xuân năm 2012-2013, huyện Tháp Mười có 472ha lúa được Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường lúc thời điểm hiện tại từ 200 - 400 đồng/kg, nhiều nông dân trong huyện rất phấn khởi. Phát huy những kết quả đạt được, vụ hè thu 2013, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân trong huyện với diện tích trên 1.200ha, tập trung ở các xã: Mỹ Đông, Mỹ Quý, Mỹ Hòa, Phú Điền, Thanh Mỹ, Trường Xuân, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi và Láng Biển.

Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp 1, xã Thạnh Lợi cho biết: Vụ đông xuân vừa rồi, gia đình tôi có 5ha lúa được Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang thu mua, ngoài việc được Công ty bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa, tôi còn được học hỏi rất nhiều những kinh nghiệm trong sản xuất lúa do có nhân viên kỹ thuật của Công ty xuống thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn cách nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp, giúp hạn chế chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì nông dân cũng gặp 1 số khó khăn, hiện tại trong 9 xã thực hiện cánh đồng liên kết thì có 7 xã được Công ty xuống thu mua lúa tận ruộng cho người nông dân, còn 2 xã Hưng Thạnh và Thạnh Lợi nông dân phải chở lúa về kho tại huyện Tân Hồng để cân lúa. Tuy không phải thuê nhân công cũng như thuê ghe để chuyên chở lúa, nhưng nông dân cũng gặp một số khó khăn khi vận chuyển lúa về kho.

Anh Nguyễn Hoàng Tiến ở ấp 4, xã Thạnh Lợi chia sẻ: “Mỗi vụ lúa thu hoạch bình quân vài chục tấn/hộ dân, nhưng khi chuyển lúa về kho phải đi chung ghe từ 2 - 3 trăm tấn nên người này sợ phần lúa của mình sẽ nhầm lẫn với phần lúa của người kia, cho nên phải đi theo ghe. Vì vậy, nông dân kiến nghị Công ty nên cử người đưa ghe xuống cân lúa cho nông dân tại ruộng...”.

Tuy gặp vướng mắc ở khâu thu mua ở 2 xã Hưng Thạnh và Thạnh Lợi, nhưng nông dân ở các xã trong huyện rất mặn mà với mô hình này. Trước nhu cầu mở rộng diện tích bao tiêu sản phẩm lúa của nhiều nông dân, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: Phòng đã làm việc với lãnh đạo Công ty về việc đặt vấn đề mở rộng diện tích và cho ghe xuống thu mua lúa tại ruộng cho 2 xã còn lại trong huyện.

Hiệu quả từ cánh đồng liên kết đã thực sự phát huy tác dụng và nếu tận dụng hết lợi thế của cánh đồng này, khắc phục những tồn tại thiếu sót thì người nông dân sẽ làm giàu bền vững từ chính sản phẩm của mình.

Minh Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn