Hiệu quả từ Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 03/10/2022 16:48:47

ĐTO - Chiều ngày 3/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu Đồng Tháp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn chủ trì.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp

Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021 góp phần hoàn thiện nhiều cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng trong xây dựng NTM. Trong đó, tiêu biểu là kinh nghiệm và các bài học của thế giới về xây dựng NTM; phương thức triển khai và mô hình NTM; luận cứ điều chỉnh các tiêu chí NTM; các yếu tố bền vững trong xây dựng NTM. Các chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM; quản lý xã hội nông thôn hiện đại…

Bên cạnh đó, Chương trình cũng tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Theo đó, có 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt, giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm, nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất…

Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM đề ra nhiệm vụ trọng tâm về tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng thời, hướng đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; phát triển du lịch nông thôn. Song song đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu KHCN.

Cùng với đó, các đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù, phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành trung ương để giúp các địa phương. Đồng thời, chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…


 Việc áp dụng 
khoa học và công nghệ vào nông nghiệp góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thế mạnh

Tại Đồng Tháp, giai đoạn từ năm 2016-2021, UBND tỉnh phê duyệt 33 nhiệm vụ được triển khai nhằm góp phần phục vụ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương (4 nhiệm vụ cấp quốc gia, 29 nhiệm vụ cấp tỉnh) nhằm phát huy vai trò quan trọng, xuyên suốt của nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong quá trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu giống mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, sơ chế và bảo quản nông sản sau thu hoạch; áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế; tạo lập và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của địa phương…

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn