Hiệu quả từ Dự án cạnh tranh nông nghiệp
Cập nhật ngày: 09/07/2014 04:54:23
Sau hơn một năm triển khai, Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) và HTX nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Dự án cạnh tranh nông nghiệp được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án có hiệu lực từ ngày 9/3/2009, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ quản, được thực hiện tại 8 tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Tháng 10/2012, Dự án được mở rộng phạm vi ra 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp. Theo ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mục tiêu của Dự án ACP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ tại khu vực miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nông nghiệp; chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới cho các hộ sản xuất, đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất.
HTX Tân Cường và HTX Tân Bình là hai đơn vị được chọn làm nơi triển khai thực hiện Dự án ACP tại Đồng Tháp. Tổng kinh phí đầu tư ước tính cho các hoạt động của Dự án tại tỉnh Đồng Tháp khoảng 26 tỷ đồng gồm chương trình tập huấn, tuyên truyền; đầu tư máy móc, thiết bị, kho trữ lúa, lò sấy lúa...Trong đó, dự án ACP hỗ trợ 19,2 tỷ đồng, các HTX đối ứng 4,8 tỷ đồng. Cụ thể, HTX Tân Cường có tổng vốn đầu tư theo chương trình là 17 tỷ đồng: Dự án ACP hỗ trợ 14 tỷ đồng, HTX đối ứng 3 tỷ đồng (mua đất, san lấp mặt bằng, lắp điện 3 pha); HTX Tân Bình, tổng vốn đầu tư theo chương trình là 7 tỷ đồng: Dự án ACP hỗ trợ 5,2 tỷ đồng, HTX đối ứng 1,8 tỷ đồng.
Theo Tổ Triển khai thực hiện Dự án ACP tại Đồng Tháp, điều kiện thuận lợi là trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đều rất quan tâm và tạo điều kiện để Dự án ACP thực hiện. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ HTX Tân Cường về san lấp mặt bằng, miễn thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất; huyện, xã tạo điều kiện về thủ tục xây dựng kho, lò sấy; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó, Dự án cũng nhận được sự đóng góp nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động học viên tham gia lớp tập huấn; tổ chức tập huấn ở các HTX đã thực hiện cánh đồng liên kết;...
Từ chương trình tập huấn quy trình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm” (1P-5G), Dự án tổ chức được 132 lớp tập huấn với 6.208 hộ/10.593 lượt nông dân tham gia, diện tích 7.189ha. Kết quả điều tra cho thấy tác động của quá trình tập huấn và chuyển giao công nghệ “1P-5G” ảnh hưởng tích cực đến sản xuất lúa của người dân trong vùng Dự án. Cụ thể là giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật... Về đầu tư máy móc thiết bị, Dự án cũng hỗ trợ 3 thiết bị san phẳng đồng ruộng bằng Laser, 3 đầu máy kéo, 2 máy gặt đập liên hợp cho HTX Tân Cường HTX Tân Bình với diện tích phục vụ 2.150 ha. Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ xây dựng tại HTX Tân Cường 2 kho trữ lúa với công suất 1.000 tấn/kho và xây dựng tại HTX Tân Bình 1 kho trữ lúa với công suất 1.000 tấn/kho; hỗ trợ HTX Tân Cường 1 máy sấy tháp, công suất 40 tấn/1 lần sấy và HTX Tân Bình 1 lò sấy tỉnh vĩ ngang, công suất 40 tấn/lần sấy.
Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường cho biết: “Việc áp dụng trang bằng mặt ruộng bằng tia Laser giúp cho xã viên giảm chi phí phân bón, thuốc trừ cỏ từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ha, bà con xã viên rất phấn khởi. Từ chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho HTX do Dự án tổ chức, sau khi được tập huấn, cán bộ HTX biết cách lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong HTX nông nghiệp, biết tổ chức các hoạt động dịch vụ, quản lý tài sản của HTX”...
Dự án đã hỗ trợ xây dựng quy chế vận hành và bảo trì trang thiết bị do Dự án cung cấp nhằm sử dụng một cách hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế cao cho HTX. Đến nay, tất cả các HTX đã có quy chế vận hành và bảo trì trang thiết bị. Tuy thời gian thực hiện Dự án ngắn, nhưng đã giúp bà con nông dân và HTX có thêm kiến thức và kỹ thuật cần thiết để tham gia chủ trương “Cánh đồng liên kết” của tỉnh...
Theo ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ triển khai thực hiện Dự án ACP, vấn đề cốt lõi của Dự án là nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, tìm các giải pháp để phát huy tốt nhất hiệu quả trong sản xuất, từ đó cải thiện hành vi trong sản xuất của bà con nông dân. Sau khi Dự án kết thúc, đề nghị các địa phương được hưởng lợi từ Dự án cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nhân rộng các mô hình sản xuất đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình đã xây dựng (kho trữ lúa, lò sấy lúa) và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất mà Dự án tài trợ”...
T.H