Hiệu quả từ mô hình “Nhân nuôi phân bón vi sinh sử dụng trên rau an toàn”
Cập nhật ngày: 29/08/2012 05:24:19
Mô hình “Nhân nuôi phân bón vi sinh sử dụng cho rau an toàn” được ứng dụng thực hiện trên diện tích 3.000m2. Có 5 hộ dân tham gia trồng 4 loại rau: cải dún 70%, cải ngọt 15%, cải xanh 10% và cải thìa 5%. Mô hình do Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND thị trấn Thanh Bình thực hiện vào tháng 7/2012. Ngay sau khi thực hiện, bà con nông dân được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nhân nuôi phân bón vi sinh, cách sử dụng chế phẩm phục vụ trong trồng trọt, các phương pháp và kỹ thuật canh tác như cách trồng, cách chăm sóc và cách bón phân.
Thông thường kỹ thuật nhân nuôi phân bón vi sinh sử dụng cho rau an toàn bao gồm các nguyên liệu và vật liệu như: vi khuẩn gốc (đạm, lân), đường cát, giấm ăn, phân lân Văn Điển hay tro bếp và dụng cụ chứa... Việc nuôi vi khuẩn cố định gồm 200 lít nước, 4 lít vi khuẩn cố định đạm, 3 chén tro bếp và 2kg đường cát. Còn nuôi vi khuẩn hòa tan gồm: 200 lít nước, 4 lít vi khuẩn hòa tan (cái), 3 chén tro bếp, 2kg đường cát và 0,5 lít giấm ăn. Sau khi nuôi 2 đến 3 ngày thì quậy lên 1 lần để phá lớp ván đóng trên bề mặt dung dịch, đảm bảo cho vi khuẩn phát triển tốt. Sau 15 ngày, khi vi khuẩn lên men là sản phẩm có thể sử dụng. Các chế phẩm phân vi sinh có thể thay thế tương đương phân hóa học mà vẫn đảm bảo được năng suất và chất lượng rau. Lượng phân hóa học giảm 70% so với diện tích trồng đại trà. Từ đó cho thấy, 1 vụ trồng rau ngắn ngày như cải dún, cải ngọt, cải xanh... sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 8.895.000 đồng/1.000m2 đất, tăng lên gần 1.000.000 đồng so với cách trồng trước đây.
Anh Lê Văn Nào, ngụ khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình đã ứng dụng thành công mô hình nhân nuôi phân bón vi sinh theo hướng dẫn quy trình với diện tích 600m2 cải xanh. Sau gần 40 ngày chăm sóc, anh thu được 8 triệu đồng, trừ các khoản chi phí anh lời 7 triệu đồng. Qua trao đổi anh cho biết: “Sau khi được hướng dẫn, tôi mạnh dạn áp dụng mô hình này và thấy đạt yêu cầu không thua gì so với việc bón phân hóa học. Đặc biệt, khi sử dụng phân vi sinh, cây rau ít bị sâu bệnh, đạt được độ an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh”. Anh Trần Phương Đại - Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình cho biết: “Mô hình nhân nuôi phân bón vi sinh sử dụng cho rau an toàn là phương pháp dùng các loại chế phẩm tạo ra thay thế cho phân hóa học. Quy trình sản xuất, kỹ thuật trồng trọt vẫn theo kinh nghiệm của người dân nhưng năng suất cây trồng vẫn đảm bảo và giảm được 70% phân bón hóa học. Ngoài ra, phương pháp nhân nuôi phân bón vi sinh còn giúp khống chế nguồn bệnh trong đất trồng, bảo vệ bộ rễ, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh”.
Nhìn chung, mô hình “Nhân nuôi phân bón vi sinh sử dụng cho rau an toàn” đã đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Đây là một hướng đi đúng, góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xung quanh.
Lê Văn Thơm