Hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, đổi mới công nghệ

Cập nhật ngày: 05/06/2013 04:48:49

Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, Đồng Tháp đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, hướng mạnh vào doanh nghiệp và cơ sở thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hằng năm.

Giai đoạn 2004 - 2012, với kinh phí đầu tư từ ngân sách trung bình trên 0,5 tỷ đồng/năm, thông qua việc triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đến nay có trên 63 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được hỗ trợ, với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Nội dung hỗ trợ gồm các lĩnh vực: xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001; ISO 1400; HACCP; Global GAP...); chi phí chuyển giao công nghệ, kiểm toán năng lượng; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...

Các doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ đa số là áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008; Global GAP và các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu của thị trường và khách hàng. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu là ngành chế biến thực phẩm, nuôi trồng chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Riêng lĩnh vực đổi mới và chuyển giao công nghệ chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia.

Về hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, đổi mới công nghệ và dịch vụ công nghệ tư nhân, năm 2011, Sở khoa học công nghệ (KH&CN) đã ký hợp đồng với Sở KH&CN TPHCM (đơn vị chủ trì) triển khai thực hiện đề tài “Đánh giá trình độ công nghệ bốn ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” kinh phí thực hiện 292,65 triệu đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học gồm các ngành: xay xát chế biến gạo; chế biến thủy sản đông lạnh; sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng (gạch). Thông qua kết quả điều tra của đề tài sẽ xác định được hiện trạng trình độ công nghệ của các ngành, các điểm mạnh, yếu và nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chủ trương, chính sách cũng như các biện pháp thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng. Hiện phong trào năng suất và chất lượng tại các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển còn chậm, thiếu đồng bộ... Nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế của tỉnh như: trình độ và năng lực quản lý kinh doanh; xúc tiến thương mại; hàng hóa xuất khẩu ở dạng thô, sản phẩm có giá trị gia tăng thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2012, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng ra quyết định phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020” với tổng kinh phí trên 7,1 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020... nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất, tạo sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khu vực và thế giới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, để duy trì và nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) về lĩnh vực khoa học và công nghệ, Sở KH&CN tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ theo quyết định 11/2008/QĐ-UBND về việc “Quy định một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tiếp cận với các hệ thống quản lý mới theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sở KH&CN sẽ xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu 2 chiều giữa Sở KH&CN và doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ khi có thông tin về công nghệ mới...

X.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn