Hoàn thiện chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Cập nhật ngày: 02/02/2024 11:53:05

Sáng ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới”.

Diễn đàn diễn ra tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì, cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị…


Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoà Bình (huyên Tam Nông) sử dụng máy bay không người lái để phun phân, thuốc giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm lao động (Ảnh: Mỹ Lý)

Mở đầu Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ khái quát quá trình phát triển KTTT, nồng cốt là HTX qua các thời kỳ, khẳng định vài trò quan trọng của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế của đất nước; phát triển KTTT luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thể hiện qua các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, khu vực KTTT còn nhiều hạn chế về quy mô, năng lực cạnh tranh, chính sách hỗ trợ KTTT còn dàn trải, lồng ghép với nhiều chương trình…Diễn đàn nhằm nắm tình hình, phân tích các khó khăn của của KTTT để đề ra giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTTT phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam báo cáo tổng hợp kiến nghị của cộng đồng HTX về việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ thực trạng triển khai cơ chế, chính sách và đề xuất nội dung hoàn thiện chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp; cùng các ý kiến của nhiều đại biểu đại diện địa phương, HTX, các tổ chức quốc tế, chuyên gia…đã  thể hiện sinh động những kết quả, những khó khăn, hạn chế trong phát triển KTTT, HTX, nhất là về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và chất lượng, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Với những văn bản, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác đầu tư của cộng đồng HTX, khu vực KTTT, HTX sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn