Hoạt động khuyến công từng bước đi vào chiều sâu
Cập nhật ngày: 15/03/2013 06:04:07
Hoạt động khuyến công trong năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu. Chương trình khuyến công đã triển khai hiệu quả nhiều nội dung đa dạng, góp phần thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của địa phương.
May công nghiệp, một trong những nghề được chương trình
khuyến công tập trung ưu tiên đào tạo
Năm 2012, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) đã tổ chức 12 lớp dạy nghề TTCN nông thôn, đào tạo 360 học viên, 70% học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề. Chương trình tập trung ưu tiên cho những nghề thực sự có nhu cầu và đầu ra ổn định tại các địa phương trong tỉnh gồm các nghề: đan bội, giỏ xách nhựa, ghế nhựa; đan lục bình; kết cườm; hoa khô; cơ khí; may...
Trong năm, hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN phát triển bền vững, từng bước hội nhập. Thực hiện Đề án Đào tạo và tập huấn hỗ trợ cho doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công đã tổ chức các lớp Khởi sự doanh nghiệp cho 180 học viên.
Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức tham quan hội chợ triển lãm trong nước nhằm giúp cho các đơn vị giao lưu, tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác và xúc tiến thương mại, đầu tư. Tổ chức tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng...
Có thể khẳng định, từ việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị cho các cơ sở, làng nghề sản xuất CN - TTCN đã giúp cho năng suất chất lượng sản phẩm của các đơn vị này tăng lên đáng kể. Từ đó, giảm lao động thủ công nặng nhọc, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Hiệu quả trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình trật tự địa phương, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm KC&TV PTCN được Bộ Công Thương phê duyệt 2 đề án: Đề án “Xây dựng lò hơi có hiệu suất cao tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt” (kinh phí hỗ trợ là 160 triệu đồng) và Đề án “Tham quan, nghiên cứu học tập mô hình phát triển CN - TTCN và thương mại dịch vụ tại một số tỉnh phía Bắc” (kinh phí hỗ trợ 80 triệu đồng). Đề án “Xây dựng lò hơi có hiệu suất cao tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt” tại Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Con heo vàng - Công ty Thương mại Á Âu tổ chức thực hiện. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị và mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất TTCN” năm 2012.
Điểm đáng lưu ý khác của hoạt động khuyến công trong năm qua là việc thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong năm, Trung tâm Khuyến công đã tổ chức bình chọn sản phẩm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012 để dự thi cấp khu vực phía Nam, tham gia Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam lần thứ 3 tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả, có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, có 3 sản phẩm được bình chọn cấp khu vực.
Ngoài ra, trong năm, chương trình khuyến công luôn chú trọng công tác phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin cho các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh, những vướng mắc, khó khăn để có hướng giải quyết, hỗ trợ kịp thời... Thực hiện chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm điểm công nghiệp. Cụ thể, tổ chức các cuộc hội thảo về Nâng cao giá trị sản phẩm của Làng Bột - thị xã Sa Đéc; hội thảo chuyên đề về Nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và hội thảo Liên kết nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất ngành cơ khí...
Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, năm 2013, đối với công tác khuyến công, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn...
X.Hòa