Huyện Cao Lãnh

Hội quán góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 24/10/2019 11:10:02

ĐTO - Mô hình Hội quán trên địa bàn huyện Cao Lãnh ra đời tạo ra không gian cộng đồng để người dân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm các kỹ thuật mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, chia sẻ chuyện xóm làng... Qua đó, phát huy năng lực của cộng đồng dân cư trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).


Liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững

Năm 2016, Hội quán nông dân đầu tiên thành lập trên địa bàn huyện là “Minh Tâm Hội quán”, đến nay toàn huyện có 15 Hội quán với 1.100 thành viên. Hội quán được thành lập với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn.

Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh, qua hơn 3 năm hoạt động, các Hội quán trở thành “mái nhà” quen thuộc của nông dân trong việc tập hợp gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau chia sẻ, bàn bạc giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội.

Nội dung sinh hoạt của Hội quán rất phong phú, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, xây dựng các công trình hạ tầng, giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, xử lý môi trường, bàn cách hợp tác cùng nhau... Từ Hội quán, người dân kết nối với các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện, trường, nhờ đó thông tin kiến thức của người dân được cập nhật kịp thời hơn. Đồng thời, vai trò chủ thể của người dân được khẳng định, tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường được phát huy tham gia vào công tác quản trị địa phương và làm chủ xóm làng. Bên cạnh đó, Hội quán còn là nơi để cán bộ, đảng viên đến với cơ sở, nắm chắc địa bàn hơn, tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân và xử lý kịp thời hơn.

Ngoài ra, hoạt động Hội quán làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, việc liên kết nông sản như: lúa, xoài, chanh, ổi, rau màu, gia cầm,... tại các Hội quán góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo giá trị tăng thêm trong năm 2019 là 34,5 tỷ đồng. Đây còn là nền tảng cho việc thành lập hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, huyện thành lập được 5 HTX dịch vụ nông nghiệp trên nền Hội quán.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung được khai sinh từ Hội quán Mỹ Thành, thời gian qua, đơn vị này đã làm tốt công tác liên kết tiêu thụ sản nông sản thế mạnh của huyện với Saigon Co.op. Anh Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chia sẻ: “Chỉ có liên kết với doanh nghiệp mới giúp người nông dân an tâm sản xuất khi đầu ra ổn định. Hiện tại, mỗi ngày, HTX cung cấp cho Saigon Co.op khoảng 1,4-1,5 tấn (chanh, ổi...). Hướng đến sản xuất bền vững, giảm giá thành canh tác, thời gian tới, HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng phân bón. Đồng thời kiên kết với các tổ hợp tác, HTX để cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp tiêu thụ”.

Trong công tác xây dựng NTM, mô hình Hội quán nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng NTM như xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hiến đất, ngày công, vật kiến trúc... Trong giai đoạn 2016 – 2019, nhân dân đóng góp khoảng 142 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (tương đương 40,77 tỷ đồng) góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phục vụ tốt đời sống cho nhân dân.

Theo địa phương, do Hội quán là mô hình mới nên bước đầu còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, chưa có sự tham gia nhiều của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và doanh nghiệp vào Hội quán nên chưa thật sự là một thiết chế đa chức năng, đa thành phần. Dù Ban chủ nhiệm Hội quán có tâm huyết, linh hoạt trong điều hành nhưng lại thiếu kỹ năng điều hành; một số thành viên Hội quán còn ngại phát biểu, chia sẻ hết kinh nghiệm trong thực tế sản xuất.

Để nâng cao vai trò của Hội quán trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM trong thời gian tới, huyện Cao Lãnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, huyện tiếp tục tuyên truyền rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Hội quán để thu hút ngày càng nhiều thành phần tham gia. Đồng thời chọn những người tâm huyết, có năng lực, thực sự là thủ lĩnh của cộng đồng tham gia Ban chủ nhiệm Hội quán.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng quản trị, giúp Ban chủ nhiệm điều hành các buổi sinh hoạt tốt hơn, chuyển hóa được những suy nghĩ, bàn luận của các thành viên thành những việc làm, sản phẩm cụ thể. Đồng thời, các ngành chuyên môn của huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và địa phương hướng dẫn tập huấn, hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh nông sản; thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; phát triển, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất có hiệu quả...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn