Hội quán góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 17/12/2023 11:07:34

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231217110937DT2-4.mp3

 

ĐTO - Đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 36 xã NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn NTM, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Kết quả này có vai trò đóng góp quan trọng của hội quán. Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khi phát biểu về mô hình Hội quán.


Nông dân huyện Châu Thành liên kết sản xuất nhãn sạch

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA HỘI QUÁN TRONG XÂY DỰNG NTM

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với trọng điểm sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, tỉnh xác định trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân.

Tiếp nối định hướng đó, mô hình Hội quán ra đời phát huy tối đa hiệu quả trong việc tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, cách làm từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Đồng thời phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Qua thực tế cho thấy, trong những năm qua, nông nghiệp giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế tỉnh nhà với mức tăng trưởng 4,51%/năm; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ước đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn NTM, 36 xã NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao... Thành tựu này có sự đóng góp rất quan trọng của Hội quán. “Đạt được những thành quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân, trong đó có vai trò của Hội quán. Đây được xem là nỗ lực lớn trong thiết chế cộng đồng với mô hình tự nguyện, tự quản. Hội quán phát huy tốt vai trò tập hợp thành viên, vận động đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp, đến công tác khuyến học, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường...”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành) được thành lập vào ngày 3/7/2016, với 105 hội viên. Đến nay, sau 7 năm hình thành và phát triển, Đồng Tháp hiện có 145 Hội quán, với hơn 7.500 thành viên. Đặc biệt, từ nền tảng Hội quán đã thành lập mới 38 hợp tác xã, mở ra hướng đi mới theo mô hình hợp tác xã.


Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, nông dân trồng xoài huyện Cao Lãnh có thu nhập ổn định

TÀI SẢN QUÝ BÁU CẦN ĐƯỢC PHÁT HUY

Đánh giá về mô hình Hội quán, nhiều chuyên gia cho rằng, Hội quán ở Đồng Tháp dần khắc phục được những điểm nghẽn trong tư duy của người dân. Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai những mô hình nông nghiệp mang tính ổn định, hiệu quả hơn trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hội quán cần phải có kế hoạch và chiến lược với bước đi cụ thể cho từng giai đoạn chuyển đổi.

ThS.NCS Huỳnh Kim Thừa - Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho rằng, sự liên kết, phát huy sứ mạnh tổng hợp của Hội quán ở Đồng Tháp là điều kiện rất quan trọng trong phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả vai trò của Hội quán trong mô hình này, cần thiết phải có kế hoạch và chiến lược cũng như bước đi cụ thể cho từng giai đoạn chuyển đổi.

Ông Chang Dong Hee - Chủ tịch Quỹ toàn cầu Saemaul (SGF) cho rằng, tinh thần của mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp rất giống phong trào Làng mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, đó là “cần cù, hợp tác và tự lực”. Đây là mô hình khá độc đáo, là công cụ để tạo cuộc cách mạng thay đổi nông thôn. Tuy nhiên, để Hội quán có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cần có sự hỗ trợ đồng hành, định hướng của chính quyền địa phương. “Hội quán nên xây dựng những bảng tiêu chuẩn, quy chế để đánh giá cụ thể mức độ thành công. Đây cũng là định hướng để các mô hình cộng đồng khác học tập. Đồng thời cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo của Hội quán và cán bộ nhà nước, những người trực tiếp tham gia cùng bà con trong chương trình phát triển nông thôn này. Ngoài ra, cần phát huy tốt hơn nữa tinh thần hợp tác thông qua việc tạo việc làm để bà con cùng gắn kết, nâng cao thu nhập”.


Bộ mặt nông thôn khang trang từ sự đồng lòng, chung tay xây dựng của người dân

Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, suy cho cùng, đích đến của Chương trình xây dựng NTM là diện mạo và sức sống của nông thôn đều phải phục vụ người dân và do người dân tạo dựng, đó mới là hướng phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam. Có thể thấy rõ Hội quán ở Đồng Tháp dần hình thành lối tư duy này, đó là nông dân không còn trông chờ ỷ lại, người dân biết “tự nguyện, tự quản, tự quyết định”, là người làm chủ xóm làng, chủ vận mệnh của mình. Người dân biết cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng, tập hợp tham gia chuyển đổi nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững tạo bứt phá kinh tế địa phương. Đây chính là hướng đi hiệu quả trong xây dựng NTM mà Đồng Tháp cần nhân rộng ra các tỉnh thành cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, từ “vừa đi vừa dò đường”, nhưng sau 7 năm hình thành và phát triển, Hội quán cơ bản tìm được những hướng đi phù hợp. Hiện nay, tỉnh vẫn đang nhìn nhận lại, tổ chức lại để Hội quán ngày càng hoàn thiện, tiến tới xây dựng những hướng đi mới trong tương lai. “Tỉnh vẫn nhất quán quan điểm “không làm thay, nghĩ thay” mà chỉ làm “cầu nối” để các Hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản xuất. Quan điểm này, đã và đang thực hiện hiệu quả trong thời gian qua và sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo...”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn