Lấp Vò
Hướng đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:36:10
Năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy Lấp Vò xây dựng Nghị quyết thực hiện đề án vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại, giai đoạn 2010-2015. Bước đầu triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả quan trọng, làm tiền đề cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Nông dân an tâm sản xuất khi tham gia thực hiện cánh đồng liên kết
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Lấp Vò, UBND huyện và các ngành có liên quan vận động nông dân đăng ký tham gia thực hiện vùng sản xuất lúa chất lượng theo hướng hiện đại ngay trong vụ thu đông năm 2011 và được nông dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể, năm 2011, thực hiện vụ đầu tiên tại khu vực đê bao 3 ấp của xã Bình Thạnh Trung, với diện tích 50ha, có 59 hộ tham gia (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch); năm 2012, với diện tích 221,4ha, có 162 hộ tham gia (vượt 71,4ha so với kế hoạch).
Nông dân khi tham gia chỉ sử dụng cùng 1 loại giống chất lượng cao; xuống giống bằng phương pháp sạ hàng (chiếm 90% diện tích); sử dụng vật tư nông nghiệp theo khuyến cáo của ngành chức năng; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp nông dân giảm được từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Về tiêu thụ sản phẩm, huyện mời doanh nghiệp về ký hợp đồng thu mua lúa cho nông dân. Giá lúa trong cánh đồng liên kết được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá lúa cùng chủng loại ngoài thị trường từ 150 - 200 đồng/kg.
Để khuyến khích nông dân tham gia thực hiện vùng sản xuất lúa chất lượng cao, huyện hỗ trợ một phần chi phí về giống, công cụ sạ hàng, máy phun thuốc. Ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác và biện pháp phòng trị sâu bệnh, định kỳ cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng để đánh giá hiện trạng đồng ruộng và đề ra biện pháp quản lý phù hợp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năng suất lúa trong cánh đồng hiện đại và bên ngoài tương đương nhau. Tuy nhiên, do ruộng lúa trong cánh đồng hiện đại áp dụng theo quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng”, giảm giá thành, nên chi phí sản xuất thấp hơn. Ngoài ra, lúa sản xuất trong cách đồng hiện đại bán được giá cao hơn, nên lợi nhuận thu được cũng khá hơn. Cụ thể như đạt năng suất 6.200kg/ha lúa tươi, chi phí đầu tư sản xuất trong cánh đồng hiện đại khoảng 22 triệu đồng so với ngoài cánh đồng khoảng 24 triệu đồng.
Việc thực hiện vùng sản xuất lúa chất lượng cao đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nông dân trong sản xuất tập trung với quy mô lớn. Do đó, địa phương cần chủ động mời doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu vụ để việc vận động nông dân tham gia thực hiện vùng sản xuất lúa chất lượng cao sẽ thuận lợi hơn; hỗ trợ nông dân ban đầu về giống là một trong những yếu tố quan trọng để khuyến khích người dân đăng ký tham gia; tìm đầu ra thuận lợi để người nông dân yên tâm sản xuất. Từ những kết quả trên có thể xem đây là đề án có bước đột phá trong việc tiến tới tổ chức sản xuất lớn, sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho xuất khẩu, làm tiền đề cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, huyện cần tuyên truyền, vận động người dân tham gia để nông dân được hưởng quyền lợi, hạn chế điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”, giúp nông dân an tâm sản xuất, cải thiện thuộc sống kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo địa phương, thời gian tới, huyện hỗ trợ nông dân 30% chi phí về lúa giống để khuyến khích nông dân đăng ký thực hiện cánh đồng hiện đại. Đồng thời, xúc tiến thành lập hợp tác xã nông nghiệp trong vùng sản xuất lúa chất lượng cao để nông dân thực hiện tốt việc liên kết sản xuất. Đặc biệt, địa phương chủ động mời doanh nghiệp đầu tư vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và gắn với tiêu thụ lúa cho nông dân.
Dương Út