Hướng tới phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 31/12/2022 06:11:11

ĐTO - Thời gian qua, biến đổi khí hậu thể hiện ngày càng rõ nét, gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường, đời sống, sức khỏe của người dân... Trước sự tác động đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững...


Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy giới thiệu sản phẩm tinh dầu cho khách hàng tại Diễn đàn Mekong Connect 2022. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm

Theo Liên hiệp Hội tỉnh, phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên lớn cần được tận dụng. Nếu được khai thác, sử dụng tốt phụ phẩm không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng khối lượng phụ phẩm của cả nước là trên 156,8 triệu tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi hơn 39,4 triệu tấn.

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đời sống người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Theo Liên hiệp Hội, hiện tại, dư địa trong ngành chế biến nông sản của tỉnh còn rất nhiều, việc tận dụng các phụ phẩm vừa góp phần nâng cao chuỗi giá trị vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhận thấy tiềm năng đó, thời gian qua, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã mạnh dạn bắt tay khai thác phụ phẩm, nâng cao giá trị nông sản. Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh dầu Hương Đồng Tháp, TP Hồng Ngự chia sẻ: “Đồng Tháp sở hữu nhiều loại nông sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao nhưng các phụ phẩm từ nông sản (có thể chưng cất tinh dầu) lại chưa được khai thác hiệu quả. Nhận thấy được tiềm năng đó, em quyết định khởi nghiệp sản xuất tinh dầu, nhằm mang lại giá trị gia tăng cho nông sản tỉnh nhà”.

Nhằm khai thác tiềm năng từ phụ phẩm, thời gian qua, dịch vụ thu gom, đóng gói, vận chuyển và mua bán rơm lúa ở tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển. Vụ đông xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng 55.000-75.000 đồng/1.000m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg. Ngoài khai thác giá trị, phụ phẩm còn giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là việc đốt đồng sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp tận dụng các phụ phẩm như cám, trấu để tạo ra giá trị gia tăng. Hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 3,3 triệu tấn/năm, mỗi năm cho ra khoảng 300.000 tấn cám. Đây không chỉ là nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn gia súc, thủy sản mà còn là nguyên liệu cho các dự án trích ly dầu gạo từ cám. Bình quân cứ 18kg cám trích ly được 1kg dầu gạo thành phẩm. Như vậy, nếu tận dụng toàn bộ hơn 300.000 tấn cám gạo mỗi năm sẽ trích ly được 16 triệu lít dầu gạo.

Cá tra - một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh, thời gian qua, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra; xử lý chất thải làm phân bón. Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, các phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê tuy được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng nhưng chưa nhiều. Đặc biệt là chưa tận thu được máu cá. Nếu việc nghiên cứu, chế biến, tận dụng được nguồn phụ phẩm này sẽ góp phần khai thác hiệu quả kinh tế từ cá tra, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, phát triển bền vững.

Theo Liên hiệp Hội, để tiếp tục phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, tỉnh cần đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp mở cơ sở thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trong nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục ban hành thể chế chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng về ý nghĩa của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nền nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu...


Mô hình trồng rau nuôi cá tuần hoàn Aquaponics ở Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua, huyện Lấp Vò. 
Ảnh: Nhật Khánh

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là khâu đột phá chiến lược, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây còn là nền tảng và động lực then chốt để thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh nhà.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham mưu UBND tỉnh ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác với các Bộ KH&CN và các viện, trường nhằm huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, có 8 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, có 10 tổ chức được chứng nhận là Tổ chức KH&CN hoạt động trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ và khoa học nông nghiệp.

Theo Sở KH&CN, thời gian qua, có 20 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được kết nối chuyển giao công nghệ với viện, trường (Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Bách Khoa TP HCM; Trường Đại học Đồng Tháp; Viện Cây ăn quả miền Nam...). Trong đó, có 5 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được Sở KH&CN xác nhận.

Hướng đến sản xuất bền vững, anh Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua (huyện Lấp Vò) thực hiện mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau Aquaponics. Điểm nhấn của mô hình này là việc xử lý, tận dụng chất thải giàu dinh dưỡng từ nuôi cá để tái sử dụng, cung cấp dinh dưỡng cho việc trồng rau. Mô hình này vừa tạo nguồn thu tốt vừa giải quyết vấn đề xả nước thải nuôi cá ra môi trường.

Về công tác chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách, trong giai đoạn 2018 - 2021, thực hiện chuyển giao kết quả 19 nhiệm vụ KH&CN (15 đề tài, 1 đề án và 3 dự án) đến 30 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để triển khai ứng dụng.

Theo Sở KH&CN, hoạt động phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả với hệ thống cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tế. Bên cạnh đó, còn có sự chung tay, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Nhằm đẩy mạnh phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới, cần tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Đồng thời thực hiện chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh hợp tác liên vùng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, huy động tối đa nguồn lực trong nước. Mặt khác, triển khai hiệu quả công tác chuyển giao các kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn