Huyện Cao Lãnh phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị
Cập nhật ngày: 23/03/2023 10:28:48
ĐTO - Các ngành, các cấp của huyện Cao Lãnh đã và đang tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển các ngành hàng chủ lực của huyện. Đồng thời định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm giá thành, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm.
Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Công nghệ Xuân Minh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) mang lại hiệu quả cao
Theo UBND huyện Cao Lãnh, trong năm 2023, địa phương sẽ khuyến khích tích tụ tập trung đất đai xây dựng cánh đồng lớn, phát triển vùng chuyên canh xoài, chanh, ổi, vùng chăn nuôi vịt, cá điêu hồng, tôm càng xanh... làm vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện cánh đồng kiểu mẫu tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến, xây dựng mô hình kiểu mẫu trên cây ăn trái, rau, màu; tăng cường xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, mô hình mới, mô hình đạt hiệu quả và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để giúp nông dân sản xuất theo hướng giảm giá thành, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng cạnh tranh về giá, chất lượng; phát triển thêm diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP; chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, mã số vùng trồng, tiếp tục xây dựng các chuỗi ngành hàng gắn kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Toàn huyện phấn đấu thực hiện liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ đạt từ 20.000ha lúa trở lên và 10% sản lượng trái cây chủ lực của huyện; mở rộng liên kết đưa nông sản vào thị trường bán lẻ hiện đại của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích... góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ nông nghiệp, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Huyện Cao Lãnh cũng tiếp tục triển khai xây dựng bộ dữ liệu ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, mở rộng địa bàn thực hiện “Cây xoài nhà tôi” bán hàng qua website https://htx.cooplink.com.vn/ và ghi chép nhật ký sản xuất trên web Facefarm.vn, bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát huy vai trò tự chủ, tự quản trong hoạt động của hội quán, Tổ nhân dân tự quản, tổ hợp tác, HTX, phát triển HTX theo hướng đa dịch vụ, phấn đấu có 63% HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện có từ 3 - 5 dịch vụ hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản; thêm nhiều HTX nông nghiệp thực hiện mua chung, dùng chung, bán chung hàng hóa với số lượng lớn để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, mang lại lợi ích cho thành viên...
Trong năm 2023, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Cao Lãnh tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Trong đó, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, hội quán tham gia thực hiện cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường... tiếp tục cải thiện, củng cố hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện hồ sơ minh chứng để nâng hạng đạt 4 - 5 sao đối với sản phẩm: xoài cát chu Chú Chín, xoài cát Mangoking, xoài cát chu Thiên Phú, xoài cát Hòa Lộc Thiên Phú; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Công ty CP ARTEX Đồng Tháp...
NHẬT NAM