Huyện Lấp Vò đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề

Cập nhật ngày: 16/05/2023 05:07:00

ĐTO - UBND huyện Lấp Vò vừa ban hành kế hoạch thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn huyện năm 2023 nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.


Dệt chiếu thủ công ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò (ảnh tư liệu)

Mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục bảo tồn 12 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phấn đấu thực hiện 1 làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia thực hiện sản phẩm OCOP; phấn đấu thực hiện 1 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; có 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; 100% các làng nghề được UBND huyện, tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Huyện sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; thành lập, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các làng nghề; phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; huy động nguồn vốn...

Huyện Lấp Vò hiện có 12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 4 làng nghề và 8 làng nghề truyền thống với các sản phẩm đa dạng như: đan lưới, đan thúng, đan bội, sản xuất chổi lông gà và dệt chiếu... Số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề khoảng 1.526 hộ, với khoảng 3.479 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 113,9 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng (theo nhóm ngành nghề). Nhìn chung, làng nghề hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

T.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn