Cùng hợp lực giải quyết khó khăn và tạo ra những dư địa mới
Cập nhật ngày: 13/05/2023 20:33:31
ĐTO - Chiều ngày 13/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đến làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa; 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Huỳnh Minh Tuấn, Nguyễn Phước Thiện và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiều Thế Lâm.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, quý I/2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết, các ngành, lĩnh vực tăng trưởng trở lại. GRDP quý I ước tính tăng trưởng 5,01%, xếp thứ 6 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thứ 37 cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị Đoàn công tác quan tâm, tháo gỡ một số khó khăn của tỉnh
Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội của Đồng Tháp còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, tình hình khôi phục và phát triển chưa đồng đều, giá thành sản xuất nông, lâm, thủy sản, công nghiệp tăng cao. Giá bán một số loại nông sản thấp, nhất là cây có múi. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong những tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động xuất khẩu những mặt hàng chủ lực gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng sụt giảm nên một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm không cao, chỉ đạt gần 332 triệu USD, bằng 70,73% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính đều giảm mạnh về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022, nhất là thủy sản chế biến (kim ngạch đạt 178,39 triệu USD, giảm 43,78% cùng kỳ).
Về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, nhu cầu cát san lấp năm 2023 tăng đột biến, do nhiều công trình triển khai thi công đồng loạt sau thời gian chuẩn bị đầu tư trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 2021-2025. Trong khi nguồn cát khai thác có hạn dẫn đến tình trạng thiếu hụt cát cục bộ một số thời điểm. Đồng thời, giá vật liệu xây dựng có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt, làm ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu và công tác triển khai thi công của nhà thầu…
Tại buổi làm việc, các bộ, ngành Trung ương đã tập trung thảo luận, chỉ ra một số hoạt động còn hạn chế của địa phương. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tỉnh thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cảm ơn sự quan tâm, đóng góp của Đoàn công tác Chính phủ giúp Đồng Tháp nhìn rõ hơn về các hạn chế, tồn tại. Đồng thời, mở ra những hướng tháo gỡ khó khăn đạt hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị với Đoàn trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề. Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách đặc thù và bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình xây dựng và vận hành Trung tâm đầu mối ở Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây đã được xác định trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, xem xét, chấp thuận mở Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Thường Phước và hợp nhất với Cửa khẩu Quốc tế đường sông Thường Phước hiện có thành Cửa khẩu Quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa kiến nghị Bộ NN& PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đánh giá tình hình biến đổi khí hậu, sự thay đổi của dòng chảy, tình hình sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu trong thời gian qua, có giải pháp ổn định bờ sông, ổn định dân cư và phát triển bền vững. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1), với số vốn 1.410,8 tỷ đồng để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn thời gian đóng khoản vay đối với dự án Phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp đến ngày 31/12/2024. Đồng thời, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế tài chính cấp phát 90% vốn vay nước ngoài từ ngân sách Trung ương cho các dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu “gọi tắt DPO” theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ….
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận các kiến nghị của địa phương để trình Chính phủ xem xét, tháo gỡ
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Đoàn ghi nhận các kiến nghị của địa phương để trình Chính phủ xem xét, tháo gỡ. Chia sẻ với tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, Bộ trưởng cho rằng: "đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, vì vậy, trách nhiệm của chúng ta cùng hợp lực lại, giảm thiểu rủi ro ở mức độ thấp nhất".
Để tạo ra những giá trị mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị mỗi địa phương cần nâng cao tính tự lực, tự chủ, không trông chờ vào nguồn lực nhà nước mà phải biết kết hợp các nguồn lực, tìm kiếm những dư địa mới. Riêng đối với các bộ, ngành liên quan, thông qua chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương, ngoài việc tập hợp tham mưu lãnh đạo Bộ giải quyết khó khăn của các địa phương, cần xây dựng, tham mưu các sáng kiến mới để cùng hợp lực, xây dựng địa phương, đất nước ngày càng phát triển…
Đoàn công tác của Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
MN