Tổ hợp tác Sản xuất Dịch vụ Xoài Bà Két

Xây dựng niềm tin với người tiêu dùng từ chữ tín

Cập nhật ngày: 11/05/2023 13:48:06

ĐTO - Gần đây, trong khi giá xoài cát chu ngoài thị trường vào chính vụ chỉ dao động từ 5 ngàn - 10 ngàn đồng/kg thì giá xoài tại Tổ hợp tác Sản xuất Dịch vụ Xoài Bà Két (gọi tắt là Tổ hợp tác), xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh từ 40 ngàn - 45 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá bán khá cao, nhưng sản lượng xoài tại Tổ hợp tác (THT) vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và thị trường. Nhưng, ít ai biết rằng để được sự công nhận từ phía DN, thị trường, những người nông dân tại THT đã trải qua một hành trình rất vất vả từ thay đổi cách làm đến thay đổi tư duy sản xuất, từng bước làm ăn theo hướng chuyên nghiệp.


Sản phẩm xoài của Tổ hợp tác Sản xuất Dịch vụ Xoài Bà Két (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) được nhiều đối tác, doanh nghiệp đến đặt hàng, bao tiêu đầu ra

Ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng THT đang thu hoạch lô xoài cung cấp cho một DN tại TP Hồ Chí Minh, phấn khởi chia sẻ: “Hiện DN đang thu mua xoài cát chu  của THT với giá từ 40 ngàn - 45 ngàn đồng/kg (trọng lượng xoài từ 300gr trở lên/trái). Với mức giá này, các thành viên trong THT rất phấn khởi, bởi vì bao công sức, cực khổ khi sản xuất theo hướng hữu cơ đều được thu về giá trị xứng đáng. Những năm gần đây, nhờ nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trái cây sạch, an toàn của thị trường nội địa tăng mạnh, DN đến đặt hàng tại THT ngày càng nhiều. Thấy được lợi ích của việc thay đổi tập quán sản xuất, nhiều nông dân đã chủ động xin tham gia THT trở lại. Hiện tại, THT có 19 thành viên với quy mô sản xuất 12ha”.

Mặc dù mong muốn ngày càng có nhiều nhà vườn tham gia vào THT, sản xuất theo hướng hữu cơ để sản phẩm xoài có được đầu ra ổn định. Song, với vai trò là “thuyền trưởng” của THT, ông Nguyễn Phú Hiệp luôn tâm niệm phải lấy chất lượng là kim chỉ nam trong quá trình hoạt động của tổ. Để đảm bảo chất lượng xoài cung cấp đến tay người tiêu dùng đồng nhất, tất cả thành viên phải tuân thủ việc ghi chép nhật ký sản xuất; tất cả quy trình trong sản xuất đều được theo dõi và kiểm soát sát sao. Đặc biệt, sau khi cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng, THT còn thực hiện một “thao tác” giống như các DN lớn là “lưu mẫu sản phẩm”. Theo THT, việc “lưu mẫu xoài” sau mỗi lần xuất bán sẽ giúp nhà vườn dễ dàng kiểm soát được tình trạng hao hụt, tình trạng chất lượng trái thay đổi sau khi thu hoạch. Đây không chỉ là cách làm giúp nhà vườn bảo vệ sản phẩm của mình mà còn để nhà vườn cam kết về chất lượng với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phú Hiệp kể: “Năm ngoái, khi xuất bán một lô xoài trên 500kg ra Thủ đô Hà Nội cho đối tác. Sau 5 ngày, tôi quan sát thấy lô xoài mẫu lưu tại nhà có hiện tượng lạ, da xoài bắt đầu lấm tấm thâm đen, tôi lập tức điện thoại thông tin với đối tác ngoài Hà Nội nhờ thu hồi sản phẩm. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, tôi mới biết vườn xoài hàng xóm có phun thuốc kích thích cách đó hơn 20 ngày và lô xoài tôi thu hoạch đợt đó ngay hàng xoài giáp ranh với vườn anh hàng xóm, đây là nguyên nhân chính khiến cho vỏ xoài ở lô hàng đó có hiện tượng lạ. Lần đó, tôi đã xin lỗi khách hàng và bày tỏ sẽ bồi thường và may mắn nhận được sự thông cảm và thấu hiểu từ đối tác. Mặc dù chỉ là một sơ sót nhỏ, nhưng theo quan niệm của tôi, khi người tiêu dùng đặt hết niềm tin nơi mình thì mình phải có trách nhiệm và giữ chữ tín với người tiêu dùng. Dù chỉ là những sơ sót nhỏ, nhưng nếu không khắc phục, khách hàng sẽ không còn tin tưởng và yêu thương mình nữa”.

Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, THT đang thực hiện rải vụ quanh năm. Bên cạnh nỗ lực thay đổi tập quán sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch an toàn cho thị trường, các thành viên trong tổ cũng đang nghiên cứu giải pháp phát triển một số sản phẩm chế biến từ xoài như: rượu xoài, nước xoài lên men... nhằm có thể tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu xoài tại địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Bình - thành viên của Tổ hợp tác Sản xuất Dịch vụ Xoài Bà Két chia sẻ: “Nhờ làm ăn uy tín nên thời gian gần đây ngày càng có nhiều DN, đối tác đến đặt hàng sản phẩm xoài của THT. Hiện tại, vấn đề đầu ra không còn là trở ngại lớn của các thành viên trong THT. Chúng tôi tập trung sản xuất đúng quy trình, thực hiện rải vụ quanh quanh nhằm đảm bảo sản lượng xoài để cung cấp cho đối tác”.

Thay đổi tập quán sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, phục vụ người tiêu dùng không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà là một hành trình dài, đòi hỏi người sản xuất phải thay đổi và tiến bộ từng ngày. Đặc biệt, trong bối cảnh “vàng thau” lẫn lộn như hiện nay thì vấn đề giữ uy tín trong sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản là việc làm cần thiết mà nông dân cần quan tâm.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn