Vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng

Cập nhật ngày: 11/05/2023 15:10:15

ĐTO - Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (gọi tắt là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) được ban hành cùng với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Chính phủ, đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.

Trong hơn 20 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban lãnh đạo NHCSXH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu UBND tỉnh bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình, mục tiêu, kế hoạch của tỉnh để chỉ đạo triển khai thực có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của tỉnh.


Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (trái) và cán bộ Hội Cựu chiến binh (phải) xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành kiểm tra việc sử dụng vốn sau khi cho vay

Mô hình tổ chức để triển khai hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh gồm: bộ máy quản trị là Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Chi nhánh NHCSXH tỉnh; tại các huyện, thành phố có Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện. Ban đại diện HĐQT NHCSXH được UBND cùng cấp ban hành quyết định thành lập, Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp và các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành (cấp tỉnh) phòng, ban (cấp huyện). Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 1423/VPCP-KTTH ngày 1/3/2015, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được bổ sung thêm thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Một số huyện, thành phố  có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện là thành viên.

Phương thức cho vay của NHCSXH chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (96,6% dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội). Trong 20 năm qua, phương thức cho vay này đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn TDCSXH đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến ngày 31/3/2023, toàn tỉnh có tổng số 3.078 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình quân 48 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân mỗi Tổ TK&VV là 1.504 triệu đồng. Tổ thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn; có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo quy chế hoạt động của thành viên trong tổ như: thực hiện bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, giám sát sử dụng vốn vay, tương trợ hỗ trợ, giúp đỡ nhau sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ hàng tháng... Hoạt động của Tổ TK&VV có sự giám sát của Trưởng Ban Nhân dân khóm, ấp, các tổ chức chính trị - xã hội... Định kỳ hàng tháng, tổ thực hiện thu lãi, thu tiền gửi, nộp ngân hàng tại điểm giao dịch xã, tham gia họp giao ban với NHCSXH.

Nguồn vốn cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến ngày 31/3/2023, đạt gần 4.802 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 3.539 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương 685 tỷ đồng (tiền gửi tổ chức và cá nhân là 394 tỷ đồng; tiền gửi qua Tổ TK&VV là gần 291 tỷ đồng).

Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm tạo điều kiện nguồn lực cho TDCSXH. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện  ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt gần 578 tỷ đồng, đứng thứ 17 trên toàn quốc và cao nhất trong 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Dư nợ cho vay đến ngày 31/3/2023 đạt hơn 4.629 tỷ đồng, với 17 chương trình cho vay; 149.909 hộ vay còn dư nợ, bình quân 30,9 triệu đồng/hộ vay. Trong đó, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ cao nhất 980 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 959 tỷ đồng, chiếm 20,7%; cho vay giải quyết việc làm 718 tỷ đồng, chiếm 15,5%; cho vay học sinh, sinh viên (HS,SV) là 712 tỷ đồng, chiếm 15,4%; hộ cận nghèo 407 tỷ đồng, chiếm 8,8% (5 chương trình này chiếm 81,6% tổng dư nợ)...

Nguồn vốn TDCSXH được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Trong hơn 20 năm qua, đã góp phần giúp cho gần 800.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp cho trên 143.000 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 82.000 lao động; hỗ trợ gần 10.000 người lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; xây mới và cải tạo trên 367.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ trên 367.000 HS,SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HS,SV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ trên 2.100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho HS,SV; hỗ trợ xây dựng trên 11.800 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 320 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn