IDI Vươn tầm chinh phục thị trường mới
Cập nhật ngày: 19/06/2017 13:32:04
“Việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường xuất - nhập khẩu là một yếu tố rủi ro không thể xem thường. Nếu có biến động giảm hay hạn chế từ thị trường đó, hàng hóa ứ đọng sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”.
Khung cảnh nhôn nhịp của hàng ngàn công nhân trong nhà máy đang miệt mài thi đua sản xuất
Vươn tầm chinh phục thị trường mới là sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) từ lâu đã xem đây là sự sống còn, luôn được đặt lên đầu tiên trong chiến lược phát triển.
Cánh cửa phát triển đã mở
10 năm gia nhập ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, Công ty IDI - thành viên của Tập đoàn Sao Mai đã góp phần nối dài những kết quả xuất khẩu, đặc biệt là con cá tra của Việt Nam. Hình ảnh loài cá “Koi” ĐBSCL ngày càng được thị trường trên thế giới biết đến nhiều hơn trong thực đơn ở các nhà hàng sang trọng, trên quầy kệ bày bán tại siêu thị và bữa ăn gia đình.
Để làm được điều này thì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại rất quan trọng đã được Công ty IDI không ngừng nỗ lực xông pha. Trong đó, chương trình tiếp thị sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ quốc tế, thiết lập các mối quan hệ đa chiều luôn được khai thác tối đa. Cho đến nay, IDI đã có hàng chục đối tác, nhà phân phối chiến lược, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng từ các nước châu Á, Trung Đông, Mỹ và một số nước vùng Nam Mỹ. Năm 2016, doanh thu của IDI vượt ngưỡng trên 4.000 tỷ đồng, vươn lên chiếm giữ vị trí thứ III trong TOP các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam.
Sau nhiều năm khó khăn, lao đao, cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, giá cá nguyên liệu tăng đã góp phần thúc giá cá tra xuất khẩu được điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra bán ra tại thị trường châu Á trong tháng 1 bình quân 2,3 USD/kg, đến tháng 2 đã ở mức trung bình 2,7 USD/kg và tháng 4/2017 dao động ở mức 2,8 - 3 USD/kg (tăng 30,4% so với đầu năm). Hiện nay, cả nước có 20 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến cá tra xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành và tiêu thụ hơn 70% cá nguyên liệu. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục mở rộng thị trường, đơn đặt hàng do vậy cũng tăng theo.
IDI vươn tầm khẳng định
“Hiện nay, cá tra được xuất sang Trung Quốc khá nhiều, thậm chí khách hàng tìm đến nhà máy của tôi để mua bằng tiền mặt. Đại lục cũng là một thị trường như bao nhiêu thị trường khác mà ít nhiều doanh nghiệp phải để mắt. Hơn nhau ở chỗ ai là người tìm được đối tác tốt mà thôi. Tuy nhiên, để tránh “cười trước, khóc sau”, phòng trường hợp một lúc nào đó họ hạn chế nhập thì Công ty chúng tôi phải chủ động nắm giữ phần thanh toán tốt. Trong kinh doanh ai cũng thế ”. Ông Lê Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty IDI cho biết.
Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ thương mại để giảm rủi ro là một nghệ thuật kinh doanh. Nếu như cách đây vài năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia đã từng chinh phục các thị trường lớn một cách ngoạn mục, mặc cho khủng hoảng kinh tế, thì thực tiễn đó là bài học kinh điển để IDI hôm nay vươn tầm. Bên cạnh việc duy trì tốt các thị trường lớn hiện có như: EU, Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc... IDI liên tục xúc tiến mở rộng các thị trường tiềm năng mới như: Nga, Trung Đông, các nước Đông Âu, Trung Mỹ, Châu Phi, Canada, ASEAN, Ấn Độ. Không chỉ khẳng định thương hiệu ở các thị trường nước ngoài, IDI còn chú trọng tổ chức sản xuất thủy sản liên hoàn theo chuỗi giá trị sản phẩm, cam kết cung cấp hàng hóa tốt nhất cho khách hàng nội địa.
Để đảm bảo nguồn cung, IDI tiếp tục phát triển vùng nuôi cá nguyên liệu tập trung và củng cố vùng nuôi liên kết. Việc tự chủ nguyên liệu đầu vào trên 80%, IDI sẽ giảm đáng kể giá vốn bán hàng (do cá tự nuôi có giá thành rẻ hơn cá thu mua), giảm thiểu rủi ro thiếu nguyên liệu vào những thời điểm xuất khẩu cao điểm. Đối với thị trường khó tính, công ty sẽ tăng cường tiếp thị và đẩy mạnh sản phẩm cao cấp như cá fillet trắng và cá fillet trắng hồng. Tích hợp vào đó là sự phong phú của nhiều loại sản phẩm khác nhằm phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong cũng như ngoài nước như: cá fillet tẩm bột, cá fillet xông khói, cá fillet cắt miếng, cá xiên que, cá cuộn. Các sản phẩm này sẽ được bày bán ở hệ thống siêu thị lớn trên thế giới và tất cả đều được chế biến theo tiêu chuẩn của ASC, VietGAP, GlobalGAP, BAP. Đó cũng là đáp án lý giải vì sao từ đầu năm đến nay đơn đặt hàng của công ty tăng lên rất nhiều từ các nước Đông Âu, Trung Mỹ, Châu Phi. Theo kế hoạch, doanh thu 2017 của công ty sẽ tăng lên khoảng 20% so với năm 2016.
Khai thác theo chiều sâu ở các thị trường đã có, chinh phục thị trường mới, IDI khẩn trương hoàn thành công trình Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai có công suất 360.000 tấn/năm để cung cấp sản phẩm chất lượng tốt nhất cho vùng nuôi. Song song, công ty đẩy nhanh dự án thành lập Trung tâm Nghiên cứu cá tra giống. Kiểm soát được chất lượng đầu vào từ con giống, từ nguồn thức ăn, từ vùng nuôi đạt chuẩn sẽ là “hậu phương” vững chắc để “tiền tuyến” tiếp tục vươn đến thị trường lớn hơn.
Thế Trung