Kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp góp ý Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 22/11/2013 04:52:23

UBND tỉnh vừa ban hành Thông báo số 305/TB-VPUBND ngày 15/11/2013 thông báo kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp góp ý Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quan điểm của UBND tỉnh Đồng Tháp, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, nông dân, doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện Đề án trong điều kiện nền kinh tế thị trường có nhiều biến đổi khó dự báo. Vì vậy, có thể có những nội dung sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh trong quá trình thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, cơ chế chính sách...

Để hoàn chỉnh nội dung Đề án, UBND tỉnh đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn nghiên cứu thực hiện một số nội dung như: Về cơ bản, thống nhất với dự thảo Đề án, đề nghị Viện nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu; có so sánh đánh giá mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp trước và sau khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giới thiệu, trình bày Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các bộ, ngành Trung ương để hình thành quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp chính là hỗ trợ cho nông dân; có quan điểm rõ ràng về thị trường chiến lược của từng mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Đồng Tháp; sau khi hoàn chỉnh Đề án, cần so sánh, làm rõ điểm nhấn, những rủi ro khi thực hiện Đề án, chỉ định những việc phải làm để xây dựng chuỗi ngành hàng chiến lược giai đoạn sau. Đồng thời nghiên cứu, so sánh khái niệm “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và “Tái cấu trúc ngành nông nghiệp” để xác định tên gọi phù hợp với nội dung Đề án.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh nghiên cứu đề xuất hình thức tổ chức thực hiện Đề án, đề xuất việc hình thành Ban Thường trực xúc tiến thực hiện Đề án trên cơ sở nhân lực từ Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, có định kỳ đánh giá; sắp xếp tổ chức lại bộ máy ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở để có đủ năng lực phối hợp tổ chức thực hiện Đề án, giải quyết nhanh các vấn đề mới phát sinh; trong thời gian chuẩn bị hình thành Trung tâm nghiên cứu chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp, các chi cục của Sở NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển các ngành hàng nông, thủy sản chiến lược.

Đối với các sở, ngành liên quan, cần xây dựng các kế hoạch, dự án kết nối Đề án với Sở NN&PTNT, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để thực hiện Đề án; tổ chức phổ biến, giới thiệu đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về các nội dung của Đề án liên quan đến ngành, lĩnh vực của đơn vị quản lý để thu thập ý kiến đóng góp, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để người dân, doanh nghiệp cảm nhận Đề án của mình. Đây có thể là đề án mở, trong quá trình thực hiện có thể bổ sung, điều chỉnh.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn