Phòng bệnh cho đàn vật nuôi lúc giao mùa

Cập nhật ngày: 18/11/2013 04:57:34

Nhờ chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, các loại dịch bệnh mặc dù có xuất hiện nhưng đã được ngăn chặn và khống chế kịp thời, không để bùng phát trên diện rộng.


Tiêu độc khử trùng ở chợ giết mổ huyện Tam Nông

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục thú y, vào những tháng cuối năm nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác động phức tạp từ thời tiết. Ngoài ra, xu hướng tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Vào thời điểm sau lũ rút, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Môi trường sau lũ rút thường bị ô nhiễm nặng, nhất là các vùng nước lũ ngập sâu trong thời gian dài. Vì vậy, nơi trú ngụ của vật nuôi không đảm bảo, dễ dẫn đến bị nhiễm bệnh và lây lan nhanh. Thêm vào đó, nhiệt độ những tháng cuối năm thường xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu, không đủ khả năng chống chọi với những chủng virut có độc lực cao như cúm A H5N1 trên gia cầm, tai xanh trên heo, lở mồm long móng trên gia súc. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động, do vậy dịch bệnh rất dễ lây lan và phát tán, đặc biệt là các bệnh: tụ huyết trùng, dịch tả, đóng dấu, phó thương hàn trên heo.

Một vấn đề khác cũng khá nhạy cảm hiện nay là nguy cơ lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm qua đường biên giới. Tình hình trao đổi và buôn bán vật nuôi qua đường biên giới diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân mua bò từ nước bạn về vỗ béo nhưng lại không chủ động khai báo tiêm phòng với cơ quan thú y địa phương, nên vừa qua tại Tân Hồng xảy ra tình trạng hơn 200 con bò bị lở mồm long móng. Rất may, dịch bệnh nhanh chóng được khống chế và không gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Điều đó càng cho thấy rằng, mầm bệnh vẫn còn lưu trú ngoài môi trường rất cao, vì vậy để tránh thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kì.

Bên cạnh những hộ còn lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh thì phần đông những hộ chăn nuôi rất coi trọng việc tiêm phòng vắc-xin cũng như tuân thủ nghiêm các khuyến cáo từ ngành thú y. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt và nuôi heo, anh Lê Văn Quang ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Thông thường vào mùa mưa bão và trời lập đông, đàn vật nuôi thường dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chăn nuôi trong những năm qua tôi nhận thấy, nếu đàn bò, đàn heo được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, cũng như chuồng trại đảm bảo vệ sinh thì khả năng vật nuôi bị nhiễm dịch bệnh là rất thấp. Đàn heo nhà tôi luôn được tiêm phòng đầy đủ nên dù thời tiết có nhiều bất lợi thì tôi cũng không ngại lắm”.

Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tể Chi cục thú y cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngành thú y đã chủ động trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi của toàn tỉnh cũng như có những biện pháp xử lí hiệu quả các trường hợp dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, vào những tháng giao mùa, người nuôi cần phải thận trọng hơn, cần chú ý chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng, vật nuôi phải được cách ly kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo qui định trước khi nhập đàn; chuồng nuôi được che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa, giữ ấm cho vật nuôi; cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên dọn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi... Hàng ngày, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi sốt, bỏ ăn phải cách ly, chữa trị kịp thời và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm tránh dịch bệnh lây ra diện rộng...”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn