Tháp Mười
Kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật ngày: 08/09/2016 06:02:32
ĐTO - Sau 3 năm huyện Tháp Mười thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tình hình sản xuất của địa phương có những bước phát triển nhất định. Người dân nơi đây từng bước chung tay trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật vào canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Bà con nông dân tham gia đánh giá, tuyển chọn những giống lúa mới
Phát huy thế mạnh trồng lúa với tổng diện tích sản xuất hàng năm trên 100.000ha, huyện đã đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 30 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết tiệu thụ với HTX và nông dân, tổng diện tích liên kết là 25.000ha lúa hàng hóa, lúa giống, nếp...
Đối với cây màu, mô hình trồng hoa thiên lý liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là điểm nhấn nổi bật với lợi nhuận thu được hàng tháng 5 triệu đồng/1.000m2. Với cây sen, huyện đã quy hoạch khu vực sản xuất với diện tích 300ha và được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”. Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Esseintal đang trình Dự án chế biến tinh dầu sen và các sản phẩm tinh chế từ sen, sự hợp tác này sẽ mở ra hướng đi mới cho cây sen của Tháp Mười.
Khai thác lợi thế từ ngành hàng vịt, địa phương đã thành lập được THT chăn nuôi vịt Tháp Mười gồm 13 thành viên, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Mô hình chăn nuôi vịt rọ tại chỗ có khác so với nuôi vịt chạy đồng nhưng vẫn giúp người chăn nuôi thu lợi nhuận, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, môi trường, sản phẩm chất lượng cao. Quan trọng hơn, mô hình có sự tham gia của doanh nghiệp. Cụ thể, người nuôi được Doanh nghiệp Cỏ May cung cấp thức ăn cho đầu vào và Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp đảm bảo đầu ra, thu mua 100% trứng vịt của THT, từ đó tổ viên an tâm trong chăn nuôi.
Mô hình nuôi ếch, cá sặc rằn được xem là thế mạnh, huyện đã vận động bà con thành lập THT. Hiện nay, các THT đi vào hoạt động ổn định và chủ động trong việc tìm đầu ra cho nông sản, giúp người dân an tâm sản xuất. Thời gian qua, THT nuôi ếch đã cung cấp lượng ếch thương phẩm cho siêu thị Metro Cash Cần Thơ được trên 41 tấn với giá từ 41.000 - 42.000 đồng/kg. Hướng đến sự phát triển bền vững, huyện đang xây dựng thương hiệu cho 2 ngành hàng này.
Để việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả tốt, huyện từng bước hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ sản xuất. Từ năm 2013-2015, Tháp Mười đã xây dựng 9 trạm bơm điện với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, toàn huyện có 122 trạm bơm điện phục vụ cho 36.000ha, chiếm 95% tổng diện tích sản xuất toàn huyện. Đồng thời, địa phương triển khai xây dựng 192 công trình gồm bờ bao, cống hở, cống ngầm để phục vụ sản xuất với tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, hiện đại giai đoạn 2013 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (4 vùng) với tổng diện tích trên 35.000ha. Song song đó, huyện đang thực hiện quy hoạch vùng nuôi cá sặc rằn tập trung, vùng trồng cây sen kết hợp du lịch cộng đồng.
Huyện xem phát triển kinh tế tập thể là nhân tố góp phần vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Từ năm 2013 đến nay, huyện tập trung tăng cường rà soát, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn. Tính đến nay, toàn huyện có 100% HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Đối với loại hình kinh tế trang trại cũng được địa phương quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động.
Để người dân nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi heo trong chuồng lạnh, nuôi heo an toàn sinh học theo hướng VietGAP, sản xuất rau an toàn, mô hình chuyển đổi 2 lúa – 1 mè, trồng hoa thiên lý, nuôi vịt trong rọ lấy trứng. Riêng trong năm 2015 và 2016, huyện còn chuyển giao các mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa; mô hình liên kết tiêu thụ lúa giá cố định ngay từ đầu vụ... Theo nhận định, với kết quả bước đầu, Tháp Mười sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương...
K.D