Khát vọng đưa quýt hồng Lai Vung vươn xa
Cập nhật ngày: 12/01/2023 06:00:57
ĐTO - Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023 do UBND huyện Lai Vung phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Lễ hội nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, kinh tế, hình ảnh quýt hồng Lai Vung.
Du khách đến tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023
Nhiều hoạt động nổi bật tại lễ hội
Với chủ đề “Khát vọng vươn lên”, Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023 thu hút khoảng 40 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Lễ hội thu hút nhiều du khách từ các tỉnh, thành trên cả nước và cả du khách nước ngoài đến tham quan. Không chỉ thích thú chụp ảnh bên những cây quýt hồng sum suê trĩu quả, du khách còn được thưởng thức các món ăn từ quýt hồng và một số đặc sản của huyện Lai Vung.
Chị Trần Thái Thanh ngụ Quận 3, TP HCM vừa chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Lai Vung tham gia lễ hội tôi cảm thấy khá thoải mái vì được tham quan những vườn quýt xanh mát, đặc biệt là người dân nơi đây rất yêu mến khách. Dự định vài ngày nữa, tôi sẽ dẫn gia đình về đây để trải nghiệm thêm nhiều địa điểm tại huyện Lai Vung và giới thiệu cho đồng nghiệp đến tham quan, thưởng thức đặc sản quýt hồng với độ ngọt vừa phải, thơm ngon”.
Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023 còn diễn ra nhiều chương trình hấp dẫn như: trưng bày và giới thiệu các sản phẩm từ quýt; hoạt động biểu diễn và thưởng thức các món ngon từ quýt; Hội thi “Mâm ngũ quả đẹp”; Hội thi “Ẩm thực quê hương”, chương trình văn nghệ và trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, còn có hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng; Hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu”, Hội thi “Cây quýt hồng đẹp”...
Trong khuôn khổ lễ hội, các kênh phân phối, tiêu thụ đã ký kết hợp tác với Hợp tác xã Thương mại ngành hàng cây có múi huyện Lai Vung, mở ra cơ hội mới cho sản phẩm đặc trưng của huyện phát triển
Là một trong những hoạt động tại lễ hội, Hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu” diễn ra khá sôi nổi với sự tham gia của các nhà vườn trên địa bàn huyện Lai Vung. Ông Trần Hữu Hớn - chủ Điểm tham quan quýt hồng Út Hớn (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cho biết: “Tham gia hội thi là cơ hội giúp nhà vườn quảng bá hình ảnh cây quýt hồng đến với du khách gần xa, nâng giá trị cho loại trái đặc sản của quê hương. Đồng thời học tập thêm nhiều kinh nghiệm làm du lịch, quy trình chế biến sản phẩm từ quýt hồng...”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần I - năm 2023, cho biết: “Lễ hội lần này vừa mang đến cho du khách những trải nghiệm về sản phẩm quýt hồng Lai Vung vừa mở ra cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài huyện cũng như những người làm kinh tế về quýt hồng. Đồng thời khẳng định tiềm năng vốn có để tiếp tục đẩy mạnh phát triển quýt hồng và ngành hàng cây có múi cùng với nem Lai Vung. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng tầm các sản phẩm OCOP, liên kết phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà”.
Đông đảo du khách gần xa đến tham quan, mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại lễ hội
Phát triển bền vững sản phẩm đặc trưng
Theo UBND huyện Lai Vung, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh, chuyên gia đến từ Đại học Cần Thơ khuyến nghị và hỗ trợ, giám sát nông dân trồng quýt hồng theo quy trình sản xuất hữu cơ; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, cải tạo đất, sử dụng giống sạch. Đồng thời áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới như: trồng quýt hồng trong nhà lưới, kết hợp với tưới nhỏ giọt... Mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ phấn đấu khôi phục 500ha diện tích quýt hồng theo hướng bền vững.
Theo PGS.TS Nhan Minh Trí - Giảng viên cao cấp, Trưởng phòng thí nghiệm An toàn thực phẩm và Phát triển sản phẩm mới (Trường Đại học Cần Thơ), để sản phẩm quýt hồng giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, các ngành, các cấp thuộc tỉnh và huyện Lai Vung cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân, nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, chú trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt để chế biến thành nhiều sản phẩm (rượu, kẹo, mứt vỏ quýt, tinh dầu, mỹ phẩm...) nhằm đa dạng, nâng cao giá trị sản phẩm quýt hồng.
Nông dân huyện Lai Vung tập trung phát triển sản phẩm quýt hồng theo hướng bền vững
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh đáp ứng yêu cầu mẫu mã đẹp, bắt mắt, sản phẩm quýt cần đảm bảo về chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng giá trị cho trái quýt. Nông dân cần đẩy mạnh liên kết, đáp ứng các tiêu chí của doanh nghiệp tiêu thụ để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu...
Theo ông Mai Văn Việt - Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ du lịch Biển Xanh Việt (TP HCM), thời gian tới, để phát triển du lịch cho huyện Lai Vung, các nhà vườn cần thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để các nhà lữ hành kết nối các điểm du lịch của huyện Lai Vung vào tour, tuyến du lịch của đơn vị. Đồng thời cần kết hợp tham quan du lịch gắn với trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Ông Võ Hoàng Cương - Bí thư Huyện ủy Lai Vung cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn, khôi phục quýt hồng huyện Lai Vung. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng quy trình khép kín với giống sạch, sản xuất quy trình hữu cơ kết hợp cải tạo đất, không chạy theo năng suất đơn thuần, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, độ an toàn và nâng cao giá trị dinh dưỡng của quýt hồng, giảm giá thành chi phí sản xuất. Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng các quy trình công nghệ chế biến sau thu hoạch và tận dụng các phụ phẩm để tạo thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng. Từ đó, góp phần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.
KHÁNH PHAN