Khi nông dân muốn làm ăn lớn

Cập nhật ngày: 12/02/2016 06:41:37

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 22.200ha đất sản xuất nhưng có đến hơn 156.200 hộ. Trong đó có 80% hộ có đất, với bình quân mỗi hộ là 0,4ha, chia thành nhiều thửa, không tập trung. Việc gieo sạ và nhất là khâu làm đất, đưa cơ giới vào sản xuất rất khó thực hiện. Trước thực tế này, thời gian qua tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có những nông dân, hợp tác xã (HTX) chủ động tích tụ ruộng đất xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô lớn, bước đầu đem lại hiệu quả rất thiết thực.


Anh Huỳnh Thanh Thắm (bìa phải) cùng xã viên thăm cánh đồng lúa mà hợp tác xã nhận giao khoán

Nông dân giao khoán đất cho HTX

Mô hình nâng quy mô sản xuất tại HTX Đức Huệ (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) là một ví dụ điển hình cho hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất.

Từ năm 2014 đến nay, HTX Đức Huệ thực hiện ký hợp đồng với các hộ dân xã Mỹ Quý để thuê đất nhằm tổ chức sản xuất lúa. Ông Nguyễn Văn Thanh, một trong 50 hộ dân đầu tiên cho HTX thuê đất với giá 7 tấn lúa/ha/vụ. Ông cho biết, sau khi thu hoạch, ông chỉ phải trả cho HTX 22 triệu đồng chi phí đầu tư, số còn lại gia đình ông được hưởng. Tính ra mỗi hecta đất cho thuê đem về cho ông khoản lợi nhuận đến 40 triệu đồng/năm.

Theo anh Huỳnh Thanh Thắm - Giám đốc HTX Đức Huệ, sở dĩ HTX mạnh dạn ký hợp đồng sản xuất lúa thuê trọn gói với nông dân là do có đầy đủ phương tiện làm đất, bơm nước, thu hoạch, ghe chở lúa, có đội ngũ nhân công phun xịt thuốc, rải phân... Bên cạnh đó, những thửa ruộng nhỏ được gom lại thành những cánh đồng lớn khiến cho việc áp dụng cơ giới hóa thuận tiện hơn. Toàn bộ lúa được trồng cùng một giống, sản xuất cùng một quy trình nên sản lượng và chất lượng tăng lên. Ngoài ra, cũng nhờ canh tác diện tích rộng nên HTX mua các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật số lượng lớn với giá rẻ hơn thị trường khoảng 5%.

Sau một năm triển khai mô hình, hiệu quả hoạt động của HTX thu hút không ít doanh nghiệp tìm đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như Công ty Lương thực Đồng Tháp, gần 1 năm nay nhận bao tiêu gần 2/3 diện tích cho xã viên với giá thu mua lúa cao hơn thị trường khoảng 200 đồng/kg. Điều này góp phần giúp nông dân và HTX có lãi cao hơn, trong đó lợi nhuận mà nông dân thu được cũng cao hơn khi trực tiếp sản xuất.


Anh Nguyễn Văn Khanh

Nông dân trăm hécta

Không riêng HTX Đức Huệ, với định hướng mở rộng diện tích để làm ăn lớn, nhiều nông dân đã tự tích góp ruộng đất đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường. Theo đó, mô hình sản xuất lớn của anh Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông được xem là một điển hình cho kiểu làm ăn này. Anh Nguyễn Văn Khanh cho biết, năm 2012, mỗi anh em trong gia đình được cha mẹ chia 10ha đất ruộng làm ăn. Thấy anh mê làm ruộng nên anh em giao toàn bộ 80ha đất cho anh để trồng lúa theo hình thức cho thuê đất hàng năm với giá 1,8 triệu đồng/công (lúa 2 vụ).

Ngoài nhận 80ha ruộng của anh em trong gia đình, anh Khanh còn thuê thêm 40ha đất của những hộ liền ranh để sản xuất lúa. Để thuận tiện cho việc canh tác, anh mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp; xây dựng kho chứa lúa; thuê nhân công trang sửa mặt ruộng; nạo vét đường nước tưới tiêu. Đặc biệt, anh chọn giống lúa Nhật để canh tác, bởi theo anh, đây là loại giống có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Thông thường lúa Nhật có giá từ 6.500 - 7.100 đồng/kg (tùy theo thời điểm)...

Anh Khanh cho biết, vụ đông xuân năm 2014-2015, anh canh tác 120ha giống lúa Nhật, hợp đồng bán toàn bộ sản lượng 120 tấn cho Công ty Lương thực Việt Hưng với giá 6.900 đồng/kg, tổng lợi nhuận 4,6 tỷ đồng. Theo nhận định của anh Khanh, qua 2 năm canh tác theo mô hình cánh đồng lớn này, cái được lớn nhất là rất thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt toàn bộ lúa được trồng cùng một giống, sản xuất cùng một quy trình nên sản lượng và chất lượng đều đảm bảo. Các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 200 đồng/kg. Nhờ đó, lợi nhuận mỗi vụ đều tăng lên.

Tổ hợp tác sản xuất lớn

Câu chuyện “được mùa mất giá” không còn lạ đối với người nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn ấy, nhiều hộ nông dân trồng lúa ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười đã liên kết lại, chọn mô hình tổ hợp tác (THT) làm hướng mở... Tháng 9/2015, “THT nông dân sản xuất lớn” chính thức thành lập với sự liên kết giữa 10 thành viên có diện tích đất sản xuất trên 10ha, tổng diện tích đất sản xuất toàn THT là 155,5ha, bắt đầu sản xuất từ vụ đông xuân 2015 - 2016.

Ông Hồ Văn Mười - Tổ trưởng THT chia sẻ: “Trồng lúa rất khó khăn, mỗi hécta đầu tư khoảng 25 triệu đồng nhưng lợi nhuận thu được không nhiều, nguyên nhân là do chưa giảm được giá thành, đồng thời dễ gặp nhiều rủi ro, bất lợi về giá cả đầu ra. Hiểu được điều này, từ khi thành lập, Ban quản trị THT bàn bạc và đi đến thống nhất phải có giải pháp từng bước liên kết với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra thì THT mới phát triển bài bản, căn cơ”.

THT đã liên kết với 3 đơn vị: Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp, Công ty Hợp Trí, Công ty Phạm Hoàng cung cấp giống, vật tư nông nghiệp phân phối với giá đại lý cấp 2 theo hình thức thanh toán trả chậm sau 4 tháng không tính lãi. THT cũng ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty lương thực Đồng Tháp. Chú Nguyễn Văn Tường (ấp 2, xã Mỹ Hòa) có 13ha đất tham gia vào THT nông dân sản xuất lớn tâm sự: “Kỳ vọng đây sẽ là mô hình mở cho việc sản xuất sắp tới, hướng tới sự liên kết bền vững”.

Hướng mở cho nông dân

Là người tâm huyết với mô hình liên kết sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan xem các mô hình nâng quy mô sản xuất này là hướng mở cho nông dân. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, dù không thể quyết định được giá bán, nhưng việc mua chung dùng chung và áp dụng khoa học kỹ thuật có thể giảm được chi phí sản xuất. THT nông dân sản xuất lớn cũng như các mô hình nâng quy mô diện tích/hộ sản xuất đang hình thành được xem là một sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ của nông dân. Đây được xem là những đòn bẩy quan trọng cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, mặc dù mới manh nha nhưng các mô hình nâng quy mô sản xuất trên một đơn vị diện tích hộ mang lại hiệu quả bước đầu rất tích cực, bởi mô hình giải quyết được cơ bản bài toán sản xuất manh mún, áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ cũng như sản xuất theo một quy trình chất lượng đảm bảo, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn. Quan trọng nhất là hình thành được mối liên kết ‘4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp giúp nông dân an tâm đầu ra trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

“Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là nông dân, HTX, THT. Việc các HTX, THT, nông dân chủ động nâng quy mô diện tích/hộ được xem là bước chuyển biến chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến việc tìm ra một hướng đi mới của nông dân, HTX trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa” - ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp nhận định.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn