Khó khăn bán lúa phải qua “cò”

Cập nhật ngày: 25/03/2015 13:50:19

Hiện nay, đa số nông dân muốn bán được lúa phải thông qua “cò”. Trên thực tế, “cò lúa” không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho người nông dân.


Giấy tuyên bố bỏ tiền cọc của một “cò lúa”

Thu nhập khá từ làm “cò lúa”

“Cò lúa” một nghề nhẹ nhàng, nhưng vẫn có thu nhập khá. Với huê hồng 20.000đ/tấn lúa từ thương lái, một ngày “cò lúa” có thể kiếm được vài triệu đồng vào thời điểm thu hoạch rộ. Khi đến mùa thu hoạch lúa, “cò” sẽ liên hệ với thương lái để biết giá lúa, sau đó đi xem lúa của nông dân. Nếu nông dân nào chịu giá thì “cò” sẽ định ngày cắt, cân lúa tươi và đặt tiền cọc 200 ngàn đồng/công lúa ngay tại ruộng. Khi đặt tiền cọc rồi mà lúa xuống giá, cò kêu nông dân bớt giá, nếu không thì “cò” có thể bỏ cọc không mua lúa!

Chính vì không vất vả, nặng nhọc, lại dễ kiếm tiền nên ông Nguyễn Thành C. (ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) gắn bó với nghề “cò lúa” hơn 10 năm nay. Một ngày ông C. có thể kiếm được từ 200 ngàn - 300 ngàn đồng. Có ngày hợp đồng cho thương lái mua khoảng 100 tấn lúa thì ông được vài triệu.

Dân “cò lúa” chuyên nghiệp thường chọn mua lúa sạch, đẹp, nếu lúa đã thu hoạch mà dơ thì tính chuyện trừ hao, không được thì bỏ cọc không mua. Nếu mối quen thì việc mua bán lúa giữa cò và nông dân không cần làm giấy, còn chưa quen thì làm “giấy tay”. Do nhu cầu bán lúa của nông dân khi vào mùa thu hoạch cao nên “cò lúa” sống khỏe với nghề. Ông Nguyễn Văn V. (ấp 2, xã Mỹ Đông, Tháp Mười) sống khá ổn định nhờ làm “cò lúa”. Mỗi ngày ông kiếm ít nhất 100 ngàn đồng với công việc đơn giản là làm cầu nối cho các thương lái ở các nơi khác đến địa phương mua lúa của nông dân.

Gian nan bán lúa thông qua “cò”

Ông Nguyễn Văn Chiến (xã Mỹ Quý, Tháp Mười) chia sẻ: “Nông dân chúng tôi bây giờ bán lúa phải phụ thuộc vào “cò”, khổ lắm. Thương lái từ nơi khác đến nên họ không biết chủ ruộng lúa là ai, không trực tiếp mua lúa của nông dân, vì sợ kẻ gian lường gạt mất tiền cọc mà không mua được lúa. Nhiều lúc lúa rớt giá, “cò” đợi cắt lúa xong, vận chuyển lúa hột đến nơi để cân bán, thì “cò” điện thoại bỏ cọc, không mua lúa, làm tôi phải tốn thêm chi phí thuê nhân công vận chuyển lúa về nhà, phơi,... rất vất vả.”

Còn ông Nguyễn Văn Nam (ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Những nơi hẻo lánh, phương tiện vận chuyển khó khăn, diện tích lúa ít thì cò lúa càng ép giá hơn. Khi lúa xuống giá, cò dời ngày cắt hoài, lại kì kèo giá, làm nông dân phải neo lúa ngoài ruộng đến khi lúa khô rang, nhưng có khi “cò” bỏ cọc, cũng phải chịu.”

 Theo ông Huỳnh Văn Huẩn (ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), lúc lúa lên giá thì lúa dơ nhiều “cò” cũng mua, còn rẻ thì “cò” dùng dằng đòi mua sụt giá. Không dám trữ lại vì nông dân sợ qua đợt thu hoạch, lúa ở địa phương còn số lượng ít, thương lái không đến mua và áp lực phải bán trả nợ ngân hàng.

Khi giá lúa lên nông dân bán lúa (thông qua cò) đã nhận tiền cọc của “cò” thì chấp nhận bán lúa với giá thấp hơn thị trường. Nhiều khi “cò” bỏ cọc không mua lúa, mặc dù trước đó đã kí giấy hợp đồng mua với nông dân. Để ràng buộc chuyện mua-bán lúa, trong hợp đồng giữa nông dân và “cò” thường có nội dung rất bất lợi cho nông dân như: “Máy bắt đầu cắt lúa từ 10 giờ đến 11 giờ sáng (để lúa thật khô ráo và nhẹ cân); nếu cắt không sạch, ruộng không khô ráo, ướt bao lúa thì bên mua không nhận lúa, chủ ruộng hoàn trả tiền cọc lại cho bên mua”. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch rộ, nông dân hợp đồng máy cắt vào thời điểm 10 giờ trở đi vô cùng khó khăn. Còn khi thu hoạch lúa gặp mưa dầm, lúa bị ngã rạp, lúa thấm ướt, cò lúa tha hồ chê, làm giá.

Bán lúa phụ thuộc “cò” đang trở nên phổ biến trên nhiều cánh đồng mỗi khi vào mùa thu hoạch. Nông dân mong muốn được bán lúa không thông qua cò để bớt phiền phức, thiệt thòi, nhưng mong muốn ấy cần có thêm thời gian. Bởi hệ thống thu mua lúa của các công ty hiện nay chưa thể mua trực tiếp hết lượng lúa của nông dân.

Phước Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn