Khoa học và công nghệ - đòn bẩy giúp các ngành hàng phát triển

Cập nhật ngày: 24/08/2020 10:36:11

ĐTO - Trên bước đường thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tạo đòn bẩy cho một số ngành hàng thế mạnh phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp người dân tiếp cận với phương thức canh tác mới...


Áp dụng khoa học công nghệ giúp ngành hàng hoa kiểng phát triển

Nhiều đề tài, dự án thiết thực

Theo Sở KH&CN, trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 4/2020, đơn vị theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện 58 nhiệm vụ (đề tài, dự án) với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường... Trong giai đoạn này, Sở KH&CN tổ chức đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng 16 nhiệm vụ cấp tỉnh góp phần trực tiếp vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Quản – Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN cho biết, các kết quả nghiên cứu này phần lớn tập trung vào việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, cải tiến quy trình kỹ thuật và biện pháp canh tác trong sản xuất, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Qua đó, từng bước góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững.

Lúa, gạo là một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, ngành KH&CN tổ chức triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ nổi bật nhằm thúc đẩy ngành hàng này phát triển. Đề tài “Khảo nghiệm và phát triển giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” được hội đồng đánh giá, nghiệm thu, xác định được 2 giống lúa thích nghi với nhiệt độ cao, ngắn ngày, chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Điểm nhấn mang lại từ kết quả nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu biện pháp làm đất thích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững trên đất trồng lúa 3 vụ tại tỉnh Đồng Tháp” là giải quyết được việc duy trì ổn định sản lượng lúa 3 vụ, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn khởi hơn khi đề tài còn giúp đất duy trì được độ phì nhiêu, giảm được lượng phân bón, hạn chế được tác hại việc lạm dụng phân bón hóa học ảnh hưởng xấu đến môi trường đất.

Trước thực trạng chất lượng sản phẩm của nghề làm bột Sa Đéc chưa “gõ cửa” được thị trường xuất khẩu, nhóm tác giả của Trung tâm Y tế TP.Sa Đéc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thay thế chất trợ lắng trong sản xuất bột gạo lọc truyền thống tại tỉnh Đồng Tháp” do Thạc sĩ Lê Thị Hồng Nhung làm Chủ nhiệm đã tìm ra chất thay thế cho những chất trợ lắng truyền thống. Điểm ưu việt của chất carrageenan là vừa giải quyết được điểm nghẽn trong sản xuất là kiểm soát được hàm lượng kim loại nặng, tăng hiệu suất thu hồi tinh bột, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Nương – chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (TP.Sa Đéc) cho biết: “Sự kết hợp giữa chất trợ lắng carrageenan với hệ thống sản xuất hiện đại mang lại kết quả bất ngờ cho người sản xuất bột. Sản phẩm thành phẩm có màu sắc bắt mắt, chất lượng, đặc biệt là giúp bột gạo địa phương mở rộng được thị truờng xuất khẩu”.

Theo Sở KH&CN, đối với ngành hàng xoài, thời gian qua có 3 nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện. Cụ thể là đề tài: “Nghiên cứu quy trình chế tạo vật liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất túi bao trái phục vụ canh tác xoài xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp”; dự án “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài” và đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống phân loại xoài tự động”. Với những kết quả dự kiến mang lại của đề tài sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm xoài, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Hướng đến việc tiếp tục nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng, thời gian qua có 2 nhiệm vụ nổi bật giúp bà con làng hoa làm chủ quy trình sản xuất. Đề tài “Cải thiện giống hoa hồng lửa và hoa cúc tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” đang chuẩn bị nghiệm thu giai đoạn 1. Riêng dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” được chuyển giao cho người dân giúp họ làm chủ được một số quy trình nhân giống và kỹ thuật trồng một số loại hoa chủ lực như: hoa lan, hoa hồng, hoa cúc... Bà Lê Thị Kiều Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho biết: “Dự án này rất ý nghĩa trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng gắn với phát triển du lịch. Tôi mong có nhiều chương trình hỗ trợ giống như vậy để giúp bà con Làng hoa Sa Đéc chuyên nghiệp hơn trong sản xuất”.

Không dừng lại đó, nhằm hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo không chuyên, Sở KH&CN hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, đánh giá, hỗ trợ 350 triệu đồng cho anh Ngô Hùng Thắng (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) - “cha đẻ” của sản phẩm sáng tạo “Hệ thống điều khiển tưới thông minh” phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Chất trợ lắng carrageenan giúp sản phẩm bột mở rộng thị truờng. 
Ảnh: Mỹ Lý

Đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất

Theo ông Huỳnh Văn Quản – Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới chưa nhiều, việc áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất làm tăng chi phí canh tác, mối liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa ổn định. Bên cạnh đó, quy mô diện tích sản xuất nhỏ lẻ, canh tác mang tính tự phát khiến cho việc áp dụng và nhân rộng mô hình các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế...

Xác định được những thuận lợi và khó khăn trên, trong giai đoạn tiếp theo, Sở KH&CN tiếp tục tăng cường mối quan hệ với nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các sở, ngành, địa phương trong việc đề xuất, đặt hàng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích việc xã hội hóa các nguồn lực cho phát triển KH&CN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Huỳnh Văn Quản - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN cho biết, ngành KH&CN còn đặc biệt quan tâm đến việc thu hút doanh nghiệp; tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất. Trên tinh thần đó, Sở KH&CN ưu tiên phân bổ ngân sách khoa học công nghệ theo hướng tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực công nghệ mới; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Mặt khác, Sở KH&CN xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, chuyển đổi công nghệ; làm đầu mối trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia như: “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối quan hệ liên kết giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn