Khoác “áo mới” cho Làng khô Phú Thọ
Cập nhật ngày: 23/12/2021 10:27:02
ĐTO - Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, để níu giữ “trái tim” người tiêu dùng, sản phẩm phải hội đủ chất lượng bên trong và hình thức bên ngoài. Hiểu rõ thế mạnh cũng như “điểm nghẽn” của sản phẩm cá khô truyền thống Làng khô Phú Thọ (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông), thời gian qua, chính quyền huyện Tam Nông có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ nhằm hỗ trợ người dân Làng khô Phú Thọ từng bước chuyên nghiệp hóa sản phẩm cá khô nhằm chinh phục các thị trường khó tính, mở ra nhiều cơ hội vươn mình ra biển lớn.
>> Làng nghề làm cá khô lớn nhất Đồng Tháp
Người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao vị thế cho sản phẩm khô Phú Thọ
Chuyên nghiệp hóa cho sản phẩm cá khô truyền thống
Nhiều năm qua, sản phẩm cá khô Phú Thọ trở thành món ngon quen thuộc trên mâm cơm của nhiều gia đình khắp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, để nhận diện, phân biệt được đặc sản cá khô của Làng khô Phú Thọ với các sản phẩm cùng loại trên thị trường không phải là chuyện dễ dàng. Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư đúng mức cho việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì, chiến lược marketing phù hợp nên phần nhiều sản phẩm cá khô của Làng khô Phú Thọ chỉ dừng lại ở việc sản xuất và “bán hàng xá” cho mối lái lớn các tỉnh. Hiện tại, phương thức thương mại truyền thống này vẫn chưa khai thác hết được những giá trị tiềm năng sản phẩm cá khô Phú Thọ.
Đặc sản “Khô Phú Thọ” trở thành món ngon quen thuộc với nhiều gia đình
Ông Lưu Văn Tiến - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông cho biết, phần lớn các hộ sản xuất khô tại Làng khô Phú Thọ hiện vẫn còn sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ do hạn chế về nguồn lực, tài chính nên việc phát triển sản phẩm cá khô theo hướng chuyên nghiệp, bài bản như các doanh nghiệp lớn vẫn còn khó khăn. Do đó, để đồng hành cùng bà con ở làng khô Phú Thọ trong việc phát triển sản phẩm khô truyền thống phù hợp xu hướng thị trường, năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận khô Phú Thọ”. Thông qua dự án này, các hộ sản xuất cá khô của Làng khô Phú Thọ sẽ được tập huấn nâng cao năng lực về việc sử dụng nhãn hiệu sản phẩm và cách vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu. Đồng thời, dự án còn hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code, in ấn thử nghiệm bao bì sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Khô Phú Thọ” đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Địa phương hi vọng, thông qua dự án sẽ giúp người dân ở Làng khô Phú Thọ thay đổi nhận thức trong sản xuất, từ đó phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp và bền vững đưa nhãn hiệu “Khô Phú Thọ” đi xa hơn ở nhiều thị trường.
Dự án hỗ trợ hộ sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ thiết kế Brochure giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến thị trường
Đồng lòng đưa nhãn hiệu “Khô Phú Thọ” vươn xa
Ông Nguyễn Văn Dọn - Chủ nhiệm Phú Nông Hội quán, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông chia sẻ, thời gian qua, vấn đề đầu tư bao bì cho sản phẩm được một số cơ sở sản xuất cá khô lớn của làng nghề thực hiện, tuy nhiên mới dừng lại là nhãn hiệu riêng của từng cơ sở, chưa phải nhãn hiệu chung của làng nghề nên về mặt nhận diện thương hiệu vẫn còn hạn chế. Khi Phòng NN&PTNT huyện triển khai thực hiện dự án về “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ” nhằm hỗ trợ phát triển nhãn hiệu khô Phú Thọ theo hướng chuyên nghiệp, bà con ở làng nghề rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng. Theo đó, dự án có những hỗ trợ như: xây dựng một bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm “Khô Phú Thọ”; xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ thiết kế bao bì chuyên nghiệp... Đây sẽ là những nền tảng quan trọng giúp cho người tiêu dùng tin tưởng và nhận diện sản phẩm cá khô truyền thống làng “Khô Phú Thọ” được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với việc có được nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp cho bà con ở Làng khô Phú Thọ hạn chế được việc hàng giả, hàng kém chất lượng, mạo danh đặc sản “Khô Phú Thọ”.
Dự án hỗ trợ hộ sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ thiết kế bao bì sản phẩm
Mặc dù dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ” được người dân địa phương đánh giá cao nhưng trong quá trình triển khai, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Một vài hộ dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến sự cần thiết của việc đầu tư nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cá khô của quê nhà.
Ông Tăng Thiện Như - thành viên Phú Nông Hội quán chia sẻ: “Hiện nay, bên cạnh số hộ tâm huyết thì vẫn còn một bộ phận hộ sản xuất vẫn chưa thiết tha với việc đầu tư nhãn mác, bao bì sản phẩm chuyên nghiệp cho sản phẩm cá khô truyền thống. Khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở khi đầu tư bao bì sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên cao, rất khó cạnh tranh với các hộ sản xuất không có đầu tư bao bì, nhãn hiệu. Vì vậy, để nhãn hiệu “Khô Phú Thọ” đi xa và phát triển bền vững hơn, các hộ sản xuất cần phải đồng lòng và cùng nhau quyết tâm thay đổi. Khi sản phẩm khô Phú Thọ có bao bì nhãn mác rõ ràng, giá cả niêm yết đồng loạt, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận tiện thông qua mã QR code trên bao bì sản phẩm sẽ góp phần đưa vị thế của khô Phú Thọ phát triển vững vàng...”.
Tem truy xuất nguồn gốc sẽ được dán kèm trên mỗi bao bì sản phẩm cá khô khi xuất bán ra thị trường
Đối với nhiều hộ sản xuất cá khô nhỏ lẻ ở Làng khô Phú Thọ việc đầu tư nhãn hiệu, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc là vấn đề khó khăn nhưng nhìn dưới chiến lược phát triển dài hơi nghề làm cá khô truyền thống thì đây là xu hướng tất yếu, buộc phải thay đổi. Bởi hiện tại, người tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sạch, an toàn. Việc đầu tư chỉn chu cho sản phẩm về nhãn hiệu, bao bì cũng chính là yếu tố quan trọng để người sản xuất tự bảo vệ sản phẩm của chính mình trên thương trường.
MỸ LÝ