Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn
Cập nhật ngày: 22/11/2024 05:07:54
ĐTO - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số ổ dịch (bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh, bệnh dại, dịch tả heo Châu phi (DTHCP)). UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; cấp, phát các loại vắc-xin và thuốc tiêu độc khử trùng cho các địa phương để tiến hành tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra dịch. Kết quả, đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.
Theo nhận định, những tháng cuối năm, công tác tiêm phòng vắc-xin DTHCP chưa phổ biến nên nguy cơ bệnh phát sinh và tái phát là rất cao, do đặc điểm của vi-rút DTHCP rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng mạnh vào các tháng đầu năm; một số người chăn nuôi còn chậm hoặc không thực hiện báo cáo khi xảy ra dịch bệnh. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng, bệnh dại phát sinh là rất cao, do vi-rút tồn tại lâu ngoài môi trường, thời tiết có ẩm độ cao, động vật vectơ truyền bệnh như: ruồi, muỗi phát triển là trung gian truyền bệnh.
Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010, ước thực hiện năm 2024 ngành chăn nuôi tỉnh đạt 2.790 tỷ đồng, tăng 5% so năm 2023 (tương ứng tăng 132,8 tỷ đồng) và bằng 100% kế hoạch năm 2024; sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất bán khoảng 42.634 tấn.
Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có 6 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Các trại chăn nuôi này đều được thực hiện giám sát dịch bệnh theo quy định, theo dõi, giám sát phát hiện bệnh để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
TN