Kiểm tra chất lượng trước khi dán tem nhãn hiệu

Cập nhật ngày: 30/03/2017 06:31:57

ĐTO - Sản phẩm xoài tỉnh nhà sau khi “khoác áo” nhãn hiệu Xoài Cao Lãnh và Xoài Cát chu Cao Lãnh đã tạo được sức hút lớn trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý nhãn hiệu chưa hiệu quả sẽ ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm xoài chất lượng, được dán nhãn hiệu của tỉnh.


Xoài tỉnh nhà từng bước chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước

Chấn chỉnh việc dán tem nhãn hiệu

Theo quy trình cấp phép và sử dụng nhãn hiệu xoài, các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (doanh nghiệp); đơn yêu cầu; giấy chứng nhận phân tích chất lượng xoài. Riêng việc để sản phẩm xoài được dán tem nhãn hiệu lên sản phẩm đòi hỏi xoài phải đảm bảo các yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất và vùng trồng; hình dáng, màu sắc, trọng lượng, độ già...

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn những trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình nên sản phẩm xoài có dán tem nhãn hiệu bị người tiêu dùng phản ánh kém chất lượng. Theo giả thuyết của ngành nông nghiệp, sản phẩm xoài bị phản ánh chất lượng chưa được đảm bảo có thể là do nhà vườn hái trái chín cây để bán. Loại này thời gian sử dụng rất ngắn, trái dễ bị hư hỏng. Giả thuyết tiếp theo là nhà vườn chịu “áp lực” của thị trường đã hái trái chưa đủ độ tuổi để bán ra thị trường...

Theo nhận định của UBND huyện Cao Lãnh, thực trạng trên là do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện (đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu) chưa quản lý tốt việc sử dụng tem nhãn hiệu đối với các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu. Đặc biệt là khâu kiểm tra chất lượng để được dán tem.

Một số hợp tác xã, tổ hợp tác lo lắng việc quản lý kiểm tra sản phẩm trước khi dán tem nhãn hiệu chưa tốt phần nào sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu xoài tỉnh nhà và các nhà vườn làm ăn chân chính. Bởi hầu hết sản phẩm xoài khi có mặt trên thị trường đều được dán nhãn hiệu như nhau, khó có thể truy xuất được nguồn gốc khi có sai phạm. Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đề xuất, hiện nay, có nhiều đơn vị được sử dụng nhãn hiệu xoài nhưng đến khi có sự cố lại không thể truy xuất được nguồn gốc để xử lý. Vì vậy, địa phương cần nghiên cứu việc dán thêm nhãn phụ, ghi rõ thông tin xuất xứ để người tiêu dùng biết nguồn gốc sản phẩm và ngành chức năng cũng dễ dàng quản lý.

Trong buổi làm việc với huyện Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh và đơn vị sở hữu nhãn hiệu xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị sở hữu nhãn hiệu - Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh chấn chỉnh công tác dán tem nhãn hiệu và mạnh dạn loại bỏ những đơn vị được sử dụng tem nhãn hiệu không thực hiện đúng theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu việc dán nhãn phụ lên sản phẩm để người tiêu dùng biết xuất xứ, nguồn gốc trái xoài và cơ quan chức năng dễ xử lý trong những trường hợp xảy ra sự cố.

Trước sự cần thiết của việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi dán nhãn nhằm giúp sản phẩm xoài tỉnh nhà tiếp tục giữ niềm tin với người tiêu dùng, ông Huỳnh Thanh Sơn - Quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh cho hay: “Trong việc chấn chỉnh dán nhãn sản phẩm lên xoài, Phòng NN&PTNT giao từng đơn vị được sử dụng nhãn hiệu chỉ dán tem cho những vườn xoài của xã viên được phép sử dụng nhãn hiệu và chịu trách nhiệm trước những sai sót của mình. Ngoài ra, đơn vị sẽ cử người đến giám sát trực tiếp việc dán tem”.

Đẩy mạnh chất lượng

Một điểm đáng quan tâm trong thời gian tới đối với ngành hàng xoài chính là nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi đây vừa là tiêu chí giúp sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu để được dán tem nhãn hiệu vừa giúp cho mặt hàng xoài tỉnh nhà có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Thời gian qua, để chinh phục thị trường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nông dân trồng xoài đã đẩy mạnh sản xuất theo mô hình VietGAP, Global GAP. “Nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi về chất lượng sản phẩm đi đôi với an toàn. Vì vậy, sau thời gian dài theo đuổi với quy trình sản xuất mới, đến nay toàn bộ diện tích vườn nhà tôi đều đạt chứng nhận Global GAP. Đây được xem là sự đầu tư dài hơi cho trái xoài” - ông Đoàn Văn Hiền, xã viên Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương bày tỏ.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng đã đẩy mạnh hướng dẫn nhà vườn sản xuất rải vụ để cung ứng sản phẩm quanh năm cho thị trường, thay vì trước đây nhà vườn chỉ cung cấp xoài cho người tiêu dùng vào mùa thuận. Chưa dừng lại đó, dù sản phẩm chất lượng nhưng giá thành cao cũng khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì vậy, hạ giá thành sản xuất được xem là chiến lược lâu dài của nông dân trồng xoài.

Ông Huỳnh Thanh Sơn chia sẻ: “Các nhà vườn hiện nay đã có nhiều kênh thông tin để biết được hướng canh tác nào là phù hợp. Vì vậy phần lớn, nhà vườn đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất theo hướng an toàn, hạ giá thành. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình chuyên nghiệp, đúng quy trình hơn”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn