Kinh tế tri thức - sức mạnh cho Đồng Tháp vươn mình

Cập nhật ngày: 09/02/2017 07:01:37

ĐTO - Những năm qua, Đồng Tháp đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã và đang chứng minh cho bạn bè khắp nơi rằng vùng Đất Sen hồng không còn là nơi “khuất nẻo”, vùng sâu, vùng xa mà đang phấn đấu trở thành một nơi “đáng sống” và là “miền đất hứa” đón chờ các nhà đầu tư. Để hoàn thành những mục tiêu chiến lược đó, ngoài sự cố gắng của tập thể nhân dân thì không thể không kể đến sự nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ trí thức tỉnh nhà.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (người thứ hai bên phải) đến thăm DNTN Cỏ May - đơn vị thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm rơm sạch và trích ly dầu cám gạo

Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

Nhìn lại những năm qua, có thể nói đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã cống hiến tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), lực lượng trí thức có những đóng góp quan trọng vào các dự án, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống; tập trung phục vụ chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Thông tin về những đóng góp trong nghiên cứu và ứng dụng các đề tài KHCN thời gian qua của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ cho biết, trong thời gian từ năm 2011 đến nay, trong số 77 nhiệm vụ KHCN được triển khai thì có 22 nhiệm vụ KHCN do đội ngũ trí thức của tỉnh chủ trì thực hiện. Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện ở các lĩnh vực: y dược, khoa học xã hội, khoa học nông nghiệp, kỹ thuật công nghệ. Hiện nay, có 19 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và triển khai ứng dụng, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cơ sở ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là Đề án tái cơ cấu của từng địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng 350 nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu quy trình tạo giống mới, hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm đặc sản, giải pháp phục vụ công tác quản lý ngành...

Trong những năm qua, lĩnh vực y dược có nhiều dự án và đề tài nổi trội, đối với lĩnh vực y tế, qua 6 nhiệm vụ nghiên cứu đã hoàn thiện phác đồ điều trị một số loại bệnh phổ biến trên địa bàn tỉnh như hen phế quản, bệnh viêm phổi, có được quy trình áp dụng các kỹ thuật y học mới trong lĩnh vực gây mê hồi sức như Kỹ thuật dùng mặt nạ thanh quản (hiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc vẫn đang áp dụng và tiếp tục triển khai ứng dụng thông qua các cuộc tập huấn, hướng dẫn tại chỗ... Từ năm 2013 - 2015, mặt nạ thanh quản đã được sử dụng cho 241 trường hợp gây mê trong phẫu thuật, tỷ lệ sử dụng thành công đạt 100% và được Bộ Y tế công nhận là kỹ thuật mới của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc)...

Đối với lĩnh vực Dược, qua 2 nghiên cứu đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất, tận dụng được các nguồn dược liệu có sẵn tại Đồng Tháp (Nấm Thái Dương, enzyme Nattokinase đang được Công ty Domesco sản xuất và nhân rộng).

Lĩnh vực khoa học xã hội, qua các kết quả nghiên cứu được nhân rộng dưới hình thức xuất bản sách chuyên khảo (đề tài Địa phương học đang được biên soạn giảng dạy tại trường Chính trị) phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, thi tuyển và đánh giá công chức; hoặc được xây dựng thành các đề án, chuyên đề giải pháp tham mưu cho lãnh đạo ngành trong việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (đề tài Phân luồng học sinh đang được ngành giáo dục ứng dụng; đề tài Nhận diện và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp theo hướng phát bền vững đang được ngành văn hóa thể thao ứng dụng).

Lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giúp người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong chọn giống, kỹ thuật canh tác, sơ chế và bảo quản nông sản sau thu hoạch.


Ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp

Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ qua các nhiệm vụ nghiên cứu đã giúp cho tỉnh có được các công nghệ mới, các quy trình mới góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm hơn (đề tài Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Sở Công Thương ứng dụng), giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình chế biến cá tra (được Công ty Vĩnh Hoàn ứng dụng), cũng như tiết kiệm hơn trong xử lý nền móng trong xây dựng,...

Để đạt những thành tựu trên, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng trí thức được xem là quyết sách và được tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, thời gian qua, lực lượng trí thức của địa phương được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có 88 tiến sĩ, 1.735 thạc sĩ, 399 bác sĩ chuyên khoa I và 94 bác sĩ chuyên khoa II.

Là một trong những đơn vị “đứng mũi chịu sào” và có nhiều tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Đồng Tháp được xem là một trong những “địa chỉ vàng” trong đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và cả nước.

Chia sẻ về chiến lược phát triển của đơn vị mình, Nhà giáo ưu tú. PGS,TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những chiến lược ưu tiên của Trường Đại học Đồng Tháp. Đến nay, nhà trường đã có 92% giảng viên có trình độ sau đại học; Phó giáo sư, tiến sĩ: 4 người; tiến sĩ: 78 người; thạc sĩ: 301 người; 79 người đang học nghiên cứu sinh. Đặc biệt, nhà trường đang sở hữu 15% giảng viên có trình độ sau đại học tốt nghiệp ở nước ngoài, tại hơn 10 Quốc gia và vùng lãnh thổ: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Liên bang Nga, Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Anh và Mỹ. Đây là những hạt nhân tích cực và lực lượng tiên phong trong các chương trình hành động của Trường Đại học Đồng Tháp thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những giảng viên này đã kịp thời “bổ khuyết” cho những điều “còn thiếu” của giảng viên nhà trường; đồng thời tạo nên “sự cộng hưởng, lan tỏa và chia sẻ” những phương pháp dạy học mới, phương pháp nghiên cứu mới, phương pháp tiếp cận mới cho người học và đồng nghiệp của mình.

“Đội ngũ giảng viên này đã có nhiều đóng góp hữu dụng cho việc phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, biên soạn và xuất bản nhiều giáo trình, bài giảng có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng cao. Với sự đóng góp hiệu quả của những tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài trong thời gian qua, tôi tin tưởng rằng, lực lượng này sẽ tiếp tục có những đóng góp mang ý nghĩa tiên phong để thực hiện kế hoạch chiến lược “Từng bước quốc tế hóa hoạt động đào tạo” của Trường Đại học Đồng Tháp trong “làn gió mạnh” của cuộc “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” - PGS,TS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Mặc dù đội ngũ trí thức của tỉnh có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, khi bước vào thị trường toàn cầu hóa, lực lượng trí thức không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng, tính năng động sáng tạo chậm được phát huy, trình độ không kém nhưng hiệu quả chưa cao, tiềm năng chất xám chưa phát huy tối đa. Đội ngũ không đồng bộ về cơ cấu ngành, cơ cấu trình độ; thiếu những người có khả năng chỉ huy các tập thể lớn, đảm nhận những chương trình, dự án lớn; còn ít những tập thể, đơn vị, tổ chức thực sự gắn bó nhau vươn lên nhanh; quá ít những công trình, tác phẩm, những nhà khoa học, nhà văn... nổi tiếng.

Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật cho biết, với vai trò là cơ quan tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của tỉnh nhà trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức KHCN; kịp thời tôn vinh người tốt, biểu dương việc tốt trong hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục huy động đội ngũ trí thức tích cực tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tập trung ưu tiên vào những vấn đề liên quan đến KHCN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tích cực huy động các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ cho chương trình phát triển KHCN của tỉnh.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn