Đồng Tháp cùng doanh nghiệp nỗ lực vực dậy sản xuất

Kỳ 3: Chắt chiu từng cơ hội để phục hồi kinh tế

Cập nhật ngày: 24/10/2021 06:08:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211024061144dt2-1.mp3

ĐTO - Chắt chiu từng cơ hội, lắng nghe ý kiến và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn và có những độ mở phù hợp từng giai đoạn để DN hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là quan điểm xuyên suốt của tỉnh về giải pháp phục hồi kinh tế trong giai đoạn “sống chung với dịch”.

Kỳ 1: Doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới

kỳ 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết tỉnh luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tái sản xuất

Nhận diện và có những bước đi phù hợp

Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường trong cả nước. Tại Đồng Tháp, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 6 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. 9 tháng đầu năm, có hơn 50% DN ngừng hoạt động, chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy... Tất cả các tác động đã kéo theo kinh tế 9 tháng của tỉnh bị sụt giảm nghiêm trọng (giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm giảm 1,89% so với cùng kỳ), một số chỉ tiêu không hoàn thành theo kế hoạch đề ra...

Tuy nhiên, chia sẻ với cộng đồng DN, doanh nhân tại tọa đàm “Tìm giải pháp giúp DN chủ động thích ứng và sống chung an toàn với dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, trong 9 tháng qua, kinh tế - xã hội tỉnh chưa đạt kỳ vọng, do phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và lấy mục tiêu sức khỏe người dân là trên hết. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là dù chịu tác động lớn từ tình hình dịch bệnh, kinh tế của tỉnh vẫn có mức tăng trưởng. Trong đó, nền tảng nông nghiệp của tỉnh vẫn được giữ vững. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 214 DN bắt đầu khôi phục sản xuất với hơn 23.000 công nhân. Theo đó, các DN trụ vững và tái hoạt động, chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất nhằm thích ứng tốt hơn với đại dịch. Đây là động lực để phát triển kinh tế những tháng cuối năm và trong năm 2022.

“Dịch bệnh là câu chuyện chưa từng có tiền lệ đối với Đồng Tháp cũng như cả nước. Tỉnh đi từng bước và đến hiện nay tình hình đã cơ bản được kiểm soát là điều kiện để tỉnh xây dựng những bước khôi phục lại sản xuất. Với quan điểm chắc chiu từng cơ hội, chia sẻ, lắng nghe hỗ trợ DN tái sản xuất, Đồng Tháp luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN từng bước thích ứng và khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Đồng Tháp đã thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động DN. Đây là trung tâm đầu mối trực tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của DN gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới là minh chứng rõ nét về chủ trương đồng hành cùng DN của tỉnh Đồng Tháp”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.

Riêng trong bối cảnh khó tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang tranh thủ nhiều nguồn để có vắc-xin, ưu tiên tiêm cho các DN, chuỗi cung ứng sản xuất và người dân. Với tinh thần khôi phục và phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh kêu gọi DN tiếp tục chấp hành các quy định phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng phương án tái cấu trúc cho từng hoạt động sản xuất, phù hợp với điều kiện bình thường mới. “Trong nguy có cơ và tôi mong muốn cộng đồng DN cùng cố gắng, chia sẻ và có những giải pháp vực dậy sản xuất phù hợp. Tỉnh luôn lắng nghe ý kiến và hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất một cách thuận lợi nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.


Lãnh đạo tỉnh thăm tình hình sản xuất tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Để tái sản xuất hiệu quả

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ: “Ở Đồng Tháp tôi cảm nhận được sự san sẻ của tỉnh với DN cũng như niềm tin của DN đối với tỉnh rất lớn. Đây chính là tiền đề rất quan trọng để tỉnh và DN cùng đồng lòng thực hiện những quyết sách trong tình hình mới. Về quan điểm hiện nay, chúng ta nên thống nhất là thận trọng và sống chung với dịch bệnh. Chính vì vậy, nên đưa ra giải pháp mở cửa theo 3 giai đoạn để phục hồi kinh tế. Giai đoạn 1, là giai đoạn thích ứng với tái sản xuất. Giai đoạn 2, đánh giá tình hình dịch tễ sau 14 ngày và mở rộng thêm việc đi lại cho lao động. Giai đoạn 3 là phải kết nối với các địa phương trong vùng và thị trường TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ hàng hóa”. Hiện VCCI Cần Thơ đang cùng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp đẩy mạnh việc tìm giải pháp lưu thông hàng hóa phù hợp, nhất là vấn đề giao thông, làm sao để các tỉnh thống nhất một phương án về vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tái sản xuất.


Khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản là một trong những mục tiêu của tỉnh những tháng cuối năm (ảnh tư liệu)

Ở góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, phải thích nghi với Covid-19 để tiếp tục sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, với các điều kiện về vắc-xin, thuốc điều trị, nâng cao hệ thống điều trị, thực hiện 5K và phổ biến việc học cách sống với Covid-19, có tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực. Ông Ngân đề nghị các DN cần liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa; tổ chức lưu thông, vận chuyển hàng hóa phải được đảm bảo để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Khi tỉnh nới lỏng giãn cách phải có sự ưu tiên cho từng lĩnh vực, khuyến khích các hoạt động ngoài trời để người dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao đề kháng...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm và cả quý 1 năm 2022 kinh tế vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, DN cần phải nỗ lực rất nhiều để duy trì, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, với sự đồng hành hỗ trợ của địa phương đối với cộng đồng DN, Đồng Tháp sẽ sớm vực dậy được nền kinh tế, tạo niềm tin đối với DN, người dân và nhà đầu tư.

Căn cứ vào những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch và khả năng phục hồi của DN, tỉnh Đồng Tháp đề ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2021. Cụ thể, kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2021 khoảng 2,5% - 3,5%; trong đó khu vực 1 tăng 3,32%, khu vực 2 tăng 4,07%, khu vực 3 tăng 3,33%. Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2021 trên 3,5% - 4,5%; trong đó khu vực 1 tăng 3,48%, khu vực 2 tăng 5,04% và khu vực 3 tăng 5,06%. Các mục tiêu tăng trưởng đều lấy mức cao nhất làm mục tiêu phấn đấu.

Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (có hiệu lực từ ngày 11/10/2021), ngày 18/10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo đã phân loại, đánh giá Đồng Tháp đang ở cấp độ dịch số 2, thuộc nhóm nguy cơ trung bình (tương ứng với màu vàng).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tuy tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bệnh còn rất cao. Chính vì vậy, các ngành, các cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục giữ các chốt kiểm soát liên tỉnh. Bên cạnh đó, Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền sớm hoàn chỉnh kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để có hướng dẫn cụ thể áp dụng trên địa bàn tỉnh.


MN

(Hết)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn