Làng nghề lọp cua đồng Bình Thạnh
Cập nhật ngày: 09/07/2012 09:53:09
Nghề làm lọp cua đồng ở xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự đã có trên 20 năm, theo lời kể của ông Lê Văn Thi (58 tuổi) ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự), một trong những người đã gắn bó với nghề trên 20 năm cho biết: “Thời điểm đó, nhiều người nuôi cá thiếu nguồn thức ăn nên có nhu cầu mua cua về xay làm thức ăn cho cá, từ đó tôi tự đan ra cái lọp để đặt cua đồng. Sau thời gian có nhiều kinh nghiệm, tôi cải tiến lọp cua để đặt sao cho trúng thật nhiều. Qua nhiều lần cải tiến cho đến hôm nay, nhiều người trong xóm bắt đầu làm theo, bây giờ ở làng này được xem như làng nghề truyền thống”.
Kho lưu trữ lọp cua đồng đã sẵn sàng xuất bán cho thương lái
Trung bình mỗi người đan được 1 cái/ngày, có giá khoảng 28.000 đồng/cái, trừ chi còn lời khoảng 17.000 đồng/cái. Ông Nguyễn Văn Ghi (48 tuổi) ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự) vừa xuất bán 400 cái lọp cho biết: “Hàng năm, gia đình tôi đan khoảng 1.500 cái để bán và giữ lại vài trăm cái để đến mùa nước nổi đi đặt cua bán vì giá cua hiện nay rất cao, dễ kiếm thu nhập từ cái nghề lọp cua này lắm”.
Theo kinh nghiệm lâu đời của những người đan lọp, phải biết cách đan “hom lá” (có dạng hình nón lá), đan không đúng quy cách, đan thưa cua sẽ bỏ đi khỏi lọp. Nghề làm lọp cua đồng ở xã Bình Thạnh có quanh năm, đến mùa nước nổi mới bắt đầu xuất bán, mỗi hộ gia đình hàng năm đan ít nhất khoảng 500 cái, góp phần giải quyết cho lao động ở nông thôn. Đa số các hộ gia đình theo nghề đan lọp cua là những hộ nghèo, không có đất sản xuất, đi làm thuê và gắn bó với nghề. Điển hình như gia đình anh Lê Văn Phước (30 tuổi) ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự), sau khi lập gia đình ra ở riêng, anh Phước bám lấy nghề đan lọp cua để mưu sinh mà gia đình đã truyền lại.
Ở đây trẻ em cũng bắt đầu học nghề đan lọp cua từ khi còn rất nhỏ để “giữ lửa” cho nghề truyền thống. Em Lê Nhật Linh (10 tuổi), sau mỗi giờ học về nhà em phụ giúp gia đình đan lọp, em nói: “Con biết làm lọp từ rất sớm, do tay con yếu không thể đan chặt như người lớn, những công đoạn khác con đều làm được”. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở đây bám mãi nghề này cũng không thể vươn lên làm giàu, vì chỉ đến mùa nước nổi lọp cua mới xuất bán nên họ thiếu nguồn vốn đầu tư lâu dài. Đa số hộ dân theo nghề muốn được vay vốn trả chậm để “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống thêm bền vững. Ông Trương Văn Đến - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Hiện tại ở xã Bình Thạnh đã thành lập được 2 tổ với 78 hộ đan lọp cua, Ủy ban cũng đang chờ Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vốn để giúp cho các hộ gia đình theo nghề đan lọp cua giữ nghề và vươn lên thoát nghèo”.
Dương Út